Thứ Hai, ngày 25/05/2020 10:04 AM (GMT+7)
Tính đến ngày 12/5/2020, vẫn còn hơn 100 tàu du lịch của một số quốc gia trên thế giới phải thả neo ngoài biển với 80.000 thành viên thủy thủ đoàn. Tất cả đều không được lên bờ vì đại dịch COVID-19. Nhiều người trong số họ cũng không được trả lương bởi hợp đồng làm việc đã mãn hạn …
1. Đã hơn 5 tuần nay, Carolina Vásquez, người Chile, 36 tuổi, là đầu bếp trên tàu du lịch Greg Mortimer chẳng còn phân biệt được ngày và đêm. Kết quả xét nghiệm cho thấy cô đã dương tính với COVID-19 nhưng lại không có triệu chứng ho, sốt nên cô bị buộc phải cách ly trong một cabin không cửa sổ. Trả lời câu hỏi của Hãng tin Associated Press (AP) qua hệ thống điện thoại trên tàu, Carolina Vásquez nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ chuyến đi này lại biến thành một câu chuyện bi thảm, đáng sợ”.
Một trong những cái đáng sợ đối với Carolina Vásquez là cô không hề nhìn thấy ánh sáng mặt trời, bị cô lập hoàn toàn với các đồng nghiệp. Cô nói: “Tôi có cảm giác là mình không còn thuộc về thế giới này. Mỗi ngày 3 lần, ai đó đặt khay thức ăn xuống trước cửa phòng tôi rồi gõ nhẹ vài tiếng để tôi biết là đã đến bữa. Ngoài ra họ không hề gặp tôi hoặc nói chuyện với tôi, dù chỉ là thăm hỏi. Để không bị mất ý thức, tôi cố gắng tắm nước lạnh đồng thời đọc to những đoạn văn trong những cuốn sách mà tôi còn nhớ được...”.
Tàu du lịch bị từ chối cho cập cảng vì COVID-19 trên biển Philippines.
Carolina Vásquez chỉ là 1 trong 36 thành viên thủy thủ đoàn của tàu Greg Mortimer, bị cách ly trên biển sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Khởi hành từ Argentina ngày 15/3/2020 với gần 300 khách, hải trình của tàu Greg Mortimer là đến Nam Cực rồi vòng về Uruguay; nhưng ngày 22/3, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu thì bác sĩ của tàu là Mauricio Usme phát hiện một người khách bị ốm với những triệu chứng rất đáng nghi ngờ. Khi báo cáo việc này lên thuyền trưởng rồi tiếp theo là chủ tàu, bác sĩ Mauricio Usme nhận được sự chỉ đạo: “Sửa đổi một số thông tin bệnh lý trong hồ sơ để tàu được phép cập bến, hành khách được phép lên bờ ”.
Lẽ dĩ nhiên Usme từ chối. Ngày 27/3, tàu Greg Mortimer buộc phải neo đậu tại cảng Montevideo thay vì cảng Carrasco, Uruguay. Kết quả xét nghiệm cho thấy hơn một nửa hành khách và thủy thủ đoàn dương tính với COVID-19.
Cuối cùng, ngày 10/4, 127 người, bao gồm một số người đã nhiễm COVID-19 được phép bay về Australia, New Zealand, Mỹ, Canada cùng vài nước châu Âu, là quê hương họ. Riêng thủy thủ đoàn được yêu cầu phải ở lại.
Bác sĩ Mauricio Usme nói ông là một trong số những người nhiễm bệnh, được cho lên bờ điều trị tại một bệnh viện ở Montevideo. Cùng nhập viện với ông là một thủy thủ người Philippines nhưng người này đã chết sau 1 tuần thở máy. Tuy nhiên, khi đã khỏi bệnh, kết quả xét nghiệm đã 2 lần âm tính, bác sĩ Usme vẫn phải trở lại tàu.
Ông nói: “Tinh thần của thủy thủ đoàn xuống thấp. Nhiều người hoảng loạn hoặc trầm cảm. Đó là tình huống phức tạp, mọi người rất dễ bị tổn thương tâm lý bởi lẽ nguy cơ tử vong luôn hiện hữu...”.
Cũng với tâm trạng như Carolina Vásquez, Marvin Paz Medina, công dân Trinidad, làm việc trên tàu Greg Mortimer trong cương vị thủ kho gửi một đoạn video tới Hãng tin AP: Đó là một cabin rộng 6,5m², nơi Marvin Paz Medina đã bị cách ly 35 ngày và không biết đến khi nào mới chấm dứt.
Anh nói: “Ngoại trừ lúc ngủ, còn thì tôi chỉ có một việc duy nhất là nhìn chằm chằm vào bốn bức tường bằng thép sơn màu xám. Mỗi lần nói chuyện điện thoại, các con tôi luôn hỏi bao giờ tôi sẽ về nhưng tôi không có câu trả lời. Cách ly chúng tôi quá lâu là điều phi lý. Tất cả mọi người còn ở lại trên tàu đều có chung cảm giác rằng bất cứ lúc nào mình cũng có thể chết. Đó là bi kịch...”.
2. Tại nước Mỹ, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC), hiện vẫn còn khoảng 80.000 thành viên thủy thủ đoàn trên các con tàu du lịch đang ở ngoài khơi trong lúc tất cả mọi hành khách đã được cho lên bờ. CMI, công ty quản lý du thuyền có trụ sở tại thành phố Miami, bang Florida cho biết 3 trong số những con tàu này sẽ cập cảng Oakland trong vài tuần lễ tới nhưng tất cả các thành viên thủy thủ vẫn phải ở lại tàu với lý do “để tránh lây nhiễm, CDC Mỹ không cho phép thủy thủ đoàn gồm 22 quốc tịch khác nhau lên bờ, về nhà”.
Michael Bayley, giám đốc điều hành Công ty du thuyền Royal Caribbean International nói: “Khi COVID-19 được WHO xác nhận là đại dịch, CDC của từng quốc gia đã mở rộng danh sách các điều kiện phải đáp ứng nếu thủy thủ đoàn muốn lên bờ. Những điều kiện này gồm người lên bờ phải âm tính với COVID-19, chủ tàu phải đưa thành viên thủy thủ đoàn về nhà thông qua máy bay thuê bao nguyên chuyến hoặc xe riêng chứ không được dùng taxi hay các phương tiện vận tải công cộng. Trên đường về nhà, nếu thành viên thủy thủ đoàn cố tình ghé vào quán bar, nhà hàng, các nơi vui chơi giải trí..., sẽ bị xử lý hình sự”.
Tuy nhiên, nói vậy mà không phải vậy. Danh sách các điều kiện cần phải đáp ứng lại còn tùy thuộc vào số lượng bệnh nhân COVID-19 ở quốc gia ấy có tăng lên hay không, và họ có áp dụng cách ly xã hội triệt để hay không. Melinda Mann, 25 tuổi, quản lý chương trình thanh thiếu niên cho Hội Hữu nghị Holland - America, đã hơn 50 ngày không bước chân lên mặt đất khi tàu Koningsdam cập bến Los Angeles, thuộc bang California.
Trước đó, cô đã dự tính chuyển sang một con tàu khác mang quốc tịch Mỹ để có thể vào được đất liền nhưng bảo vệ của con tàu này đã ngăn cô lại mặc dù cô là người Mỹ, kết quả xét nghiệm cho thấy cô âm tính với COVID-19.
Melinda Mann nói: “21 giờ một ngày, tôi bị cô lập trong cabin rộng 14 mét vuông, nhỏ hơn phòng ngủ của tôi ở Midland, bang Georgia”. Để giết thời gian, cô đọc lần lượt các cuốn sách trong thư viện của tàu, bất kể nó thuộc chủ đề gì: “Tôi chỉ được phép ra khỏi cabin 3 lần 1 ngày, mỗi lần 1 tiếng và chỉ có thể đi bộ tại những khu vực ấn định. Hợp đồng của tôi kết thúc vào ngày 18/4 nên từ đó đến nay, tôi không còn được trả tiền...”.
Mỗi ngày Melinda Mann chỉ được ra khỏi cabin cách ly 3 lần, mỗi lần 1 tiếng.
Gần đây nhất, hồi đầu tháng 5, các thành viên thủy thủ đoàn người Canada trên tàu Emerald Princess được thông báo chuẩn bị để bay về nhà trên một máy bay thuê bao khi tàu cập cảng Nassau, Bahamas. Nhưng đến phút chót, chính phủ Bahamas đã không cho phép thủy thủ đoàn và các hành khách lên bờ - kể cả những người sau khi xét nghiệm, âm tính với COVID-19.
Leah Prasad, có chồng là quản lý hệ thống phòng ngủ trên tàu Emerald Princess cho biết ngày nào cô cũng dành vài tiếng đồng hồ để theo dõi việc can thiệp của các cơ quan chính phủ Canada với đảo quốc Bahamas, nhằm giúp thủy thủ đoàn được tự do. Cô nói: “Chồng tôi rất chán nản. Anh ấy phải ở cả ngày trong cabin. Sức khỏe tinh thần của anh ấy đang đi xuống”.
Ở vùng biển Philippines, ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy 12 tàu du lịch trống rỗng, nằm im lìm vì không thể cập cảng do đại dịch COVID-19, trong đó có tàu MV Ruby Princess, nổi tiếng với sự xa hoa, sang trọng. Một quan chức ở cảng Manila, Philippines cho biết các tàu này phải đợi CDC Philippines hoàn tất thủ tục kiểm dịch rồi mới được phép cập cảng. Ở biển Caribbean, bởi các cảng không còn đủ chỗ chứa nên 15 tàu du lịch phải co cụm lại với nhau bên ngoài vịnh Coco Cay và Great Stirrup Cay, trong đó có những cái tên quen thuộc với giới thượng lưu trên toàn thế giới như Harmony of the Sea, Azamara Pursuit, Edge.
Tại Bahamas, ngoài khơi bờ biển của đảo quốc này là chốn lưu trú của tàu Royal Caribbean, tàu Freedom of the Seas và tàu du lịch Na Uy Cruise Line. Alex Adkins, người Mỹ, phụ trách phần kỹ thuật cho sân khấu giải trí trên tàu Freedom of the Seas nói rằng anh đã ở trên biển từ giữa tháng 3 khi những vị khách cuối cùng được phép rời tàu: “Kể từ đó, ngoài thủy thủ đoàn thì chẳng còn một người nào khác. Ai cũng thắc mắc tại sao họ không được lên bờ dù thời gian cách ly đã gấp 3 lần 14 ngày”.
Shawn Morton, thủy thủ tàu Princess Cruise nghĩ rằng chẳng còn ai quan tâm đến những người đang lênh đênh trên biển: “Chúng tôi dường như đã bị lãng quên”.
Ngoài khơi đảo Wright, Anh, 9 tàu du lịch được lệnh neo cạnh nhau để không làm ảnh hưởng đến tuyến vận tải biển ngày đêm nhộn nhịp. Người phát ngôn của Bộ Giao thông Vận tải Anh xác nhận một số tàu phải được ưu tiên cao do tính chất của nó liên quan đến an sinh xã hội, còn các tàu du lịch có mức độ ưu tiên thấp vì nó không chở bất kỳ hành khách nào.
Trên tàu du lịch Mein Schiff 3, neo đậu tại cảng Cuxhaven, miền bắc nước Đức, 2.900 hành khách và thủy thủ đoàn đã không nhìn thấy bất kỳ một người nào ở thế giới bên ngoài trong suốt 5 tuần lễ. Charles Attenboro, thuyền phó nói: “Cuộc sống thực sự rất nhàm chán, điều duy nhất mà tôi có thể so sánh là nó giống như một nhà tù”.
Sự bất hạnh cũng có thể nhìn thấy trên các thiết bị của con tàu. Những bộ bàn ghế trong phòng ăn không ai chùi rửa, những tay nắm cửa bằng đồng bắt đầu nổi gỉ xanh. Làn nước trong veo của hồ bơi trên boong tàu nay chuyển sang màu xám.
Sân khấu ca nhạc của tàu Royal Caribbean là môi trường lý tưởng cho việc lây nhiễm.
Không như thường ngày, lúc con tàu còn hoạt động, hầu hết thủy thủ mặc những bộ quần áo nhàu nát. Lắm người từ ngày nay qua ngày khác chỉ mỗi chiếc quần short. Tất cả đều không biết bằng cách nào mà virus đã xuất hiện khi một hành khách dương tính với COVID-19 rồi sau đó thêm 9 người khác nhưng chỉ 1 người được đưa vào bệnh viện Helios Klinik ở Cuxhaven vì những người còn lại tuy dương tính nhưng lại không hề có triệu chứng.
Erich Steiner, thủy thủ trên tàu nhắn tin cho Đài Truyền hình Đức DW: “Thành thật mà nói, tôi luôn có suy nghĩ tích cực về TUI - là công ty mẹ của tàu Mein Schiff 3 - nhưng ngay bây giờ, với những gì những gì đang xảy ra, cái cách mà họ xử lý tình huống thực sự rất tồi tệ”. Điều quan tâm lớn nhất của thủy thủ đoàn là vấn đề tiền lương. Vì không có khách, thủy thủ đoàn phải ký hợp đồng chuyển sang mức lương cơ bản trong lúc họ vẫn bị buộc phải ở lại tàu.
3. Theo các chuyên gia dịch bệnh, một trong những môi trường lý tưởng nhất để COVID-19 lây lan nhanh chóng là các tàu du lịch. Với cấu trúc khép kín, lượng người đông đúc sinh hoạt trong những không gian hạn hẹp như phòng ăn, sân khấu ca nhạc, sòng bài, phòng tập gym…, cộng với những hạn chế về y tế đã khiến chỉ cần 1 người nhiễm thì sau vài ngày, thông qua những bọt nước nhỏ li ti bắn ra từ hơi thở, hoặc bề mặt các vật dụng đã tồn tại virus, con số có thể tăng lên hàng trăm.
Cho đến ngày 12/5/2020, hơn 40 tàu du lịch xác nhận có hành khách dương tính với COVID-19. Tất cả những điều này đã khiến ngành công nghiệp du lịch bằng đường biển lâm vào cảnh khốn đốn, nhất là khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc vào cuối tuần qua: Công dân Mỹ, đặc biệt là du khách có tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, không nên đi đây đi đó bằng tàu du lịch.
Hệ quả là chỉ số chứng khoán của các “ông lớn” trong lĩnh vực này tụt dốc thê thảm: “Ông lớn” Carnival Corp giảm 52,7%, Royal Caribbean giảm 61,3%, Norway giảm 65% còn Disney giảm 23% bởi lẽ phần lớn khách đi tàu du lịch là người Mỹ! Một số chuyên gia kinh tế thuộc các “đế chế tài chính” như Rothschild, Merrill Lynch, Morgan Stanley, Goldman Sachs… đều cùng chung nhận định rằng với tình hình dịch bệnh hiện chưa có điểm dừng thì từ nay đến cuối năm, những chiếc neo vẫn sẽ ghìm chặt các con tàu du lịch nằm im trên mặt nước…
Nguồn: https://ift.tt/3egY5l4Nguồn: https://ift.tt/3egY5l4
Sự cố chìm tàu Titanic có thể coi là thảm họa hàng hải nổi tiếng nhất, nhưng đây không phải lần duy nhất những chiếc...
0 nhận xét:
Post a Comment