Thứ Hai, ngày 21/09/2020 10:00 AM (GMT+7)
Trên “con đường tơ lụa” cổ đại từ Trung Hoa tới châu Âu, Uzbekistan là đất nước đóng vai trò trọng yếu trong việc buôn bán trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia khu vực Trung Á.
Quảng trường Registan
Registan - trái tim của Samarkand
Samarkand nằm trên “con đường tơ lụa”, vì vậy, đây là nơi giao thoa giữa những nền văn hóa lớn. Sự phồn thịnh và quyền lực một thời của Samarkand vẫn còn thể hiện nguyên vẹn ở những công trình kiến trúc tôn giáo hoành tráng bậc nhất ở Trung Á, như quảng trường Registan và Bibi Khanym - một trong những thánh đường Hồi giáo lớn nhất thời cổ đại.
Quảng trường Registan là một tượng đài kiến trúc phương Đông với 3 học viện Hồi giáo đồ sộ và tinh xảo là Ulugbek, Sher-Dor và Tilya Kori. Registan được xây dựng từ cuối thế kỷ XIV và công trình này đã ảnh hưởng rất nhiều tới kiến trúc ở các thành phố Ba Tư cũng như các kiến trúc Mughal ngày nay ở Pakistan, Iran, Ấn Độ như nhà thờ Hồi giáo Imam tại Isfahan (Iran) và lăng mộ Taj Mahal (Ấn Độ)...
Học viện Hồi giáo Ulugbek là công trình đầu tiên được xây dựng bởi Ulugbek - cháu trai của Đại đế Timur vào năm 1417. Đây từng là học viện Hồi giáo lớn nhất Trung Á vào thế kỷ XV, tại đây, học sinh được dạy triết học, thiên văn học, toán học và thần học.
Học viện Sher-Dor được xây dựng năm 1619 và hoàn thành năm 1636 do công của Tổng đốc Yalangtush Bahadur. Sher-Dor nghĩa là Sư tử, vì vậy, trên mặt trước của học viện có hình ảnh hai con sư tử cõng thần Mặt trời trên lưng. Mặt trời tượng trưng cho Bái Hỏa giáo đã từng là đạo lớn nhất Trung Á trước khi đạo Hồi xuất hiện. Điều đặc biệt của Sher-Dor là nó không hề có thánh đường cầu nguyện. Sinh viên phải băng qua quảng trường và cầu nguyện tại Học viện Ulugbek.
10 năm sau khi xây dựng xong Sher-Do, vào năm 1646, Yalangtush Bahadur cho xây dựng Học viện Tilya Kori và hoàn thành vào năm 1660. Tilya Kori tượng trưng cho sự giàu có của Samarkand tại thời điểm đó. Các nghệ nhân đã sử dụng phương pháp trang trí chủ yếu là mạ vàng, phía ngoài học viện trang trí đá mosaic với các hoa văn hình học và hoa lá tự nhiên.
Cả 3 công trình tại quảng trường Registan được bảo tồn rất tốt, chúng ta vẫn có thể được chiêm ngưỡng kiến trúc đồ sộ, hoa văn tinh xảo, mái vòm với màu sắc trường tồn với thời gian hay những ô cửa đặc trưng của Trung Á cổ đại. Hiện không còn học sinh theo học, bên trong các học viện là quầy hàng trưng bày các món hàng lưu niệm, thảm... đầy màu sắc.
Đại thánh đường Bibi Khanym
Thánh đường Bibi Khanym được đặt theo tên người vợ được sủng ái nhất của Đại đế Timur. Đối diện với thánh đường chính là lăng mộ của bà với cấu trúc hình trụ, trên cùng là mái vòm xanh được trang trí hoa văn Hồi giáo. Bên trong có một hầm chôn cất bằng đá cẩm thạch.
Bibi Khanym đã cho xây dựng thánh đường nhằm vinh danh chiến thắng tại Ấn Độ của chồng mình. Thánh đường được khởi công vào năm 1399 và phải mất 5 năm để hoàn thành, nơi đây từng là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thời kỳ đó với mái vòm của sảnh chính cao tới 40m. Để xây dựng Bibi Khanym, Đại đế Timur đã huy động 200 kiến trúc sư, nghệ sĩ, thợ thủ công bậc thầy và hơn 500 lao động khác. Hàng trăm cột đá được cắt và vận chuyển bằng voi từ các mỏ đá cẩm thạch đến Samarkand. Thánh đường từng bị sụp một phần do trận động đất năm 1897 và được trùng tu lại trong những năm 1970.
Bibi Khanym gồm cửa chính, hai sảnh cầu nguyện ở hai bên và phía trong cùng là đại sảnh đang trong quá trình trùng tu. Mặt bên ngoài cửa chính uy nghi, bề thế với những hoa văn trang trí quen thuộc của Hồi giáo. Hai sảnh cầu nguyện được trùng tu khá nguyên vẹn với mái vòm xanh ngọc trang trí tinh xảo nổi bật giữa nền trời xanh. Khoảng sân ở giữa có phiến đá cẩm thạch khắc kinh Koran. Truyền thuyết cho rằng người phụ nữ hiếm muộn nếu tới quỳ lạy và đi quanh phiến đá thì sẽ có rất nhiều con. Cửa vào đại sảnh được trang trí hoa văn màu lam nhạt và dòng kinh Koran cách điệu. Bên trong là mảng tường mosaic bong tróc, ô cửa mái vòm trơ trọi bởi lớp đá màu sắc bên ngoài đã bị hủy hoại... Tuy nhiên, những gì còn sót lại ở Bibi Khanym cũng đủ để chúng ta thán phục trí tuệ và công sức của người cổ đại. Họ không hề có máy móc, kỹ thuật tiên tiến mà vẫn có thể tạo ra được những công trình vĩ đại.
Trên tượng đài của Timur Đại đế có khắc câu ngạn ngữ: “Nếu bạn muốn biết về chúng tôi, hãy tới thăm các công trình do chúng tôi xây dựng”. Quả thật, những công trình kiến trúc tráng lệ, đồ sộ ở Samarkand là minh chứng cho lịch sử lẫy lừng và hùng tráng. Đây thực sự là những di sản quý giá của đất nước Uzbekistan nói riêng và của nhân loại nói chung mà chúng ta cần giữ gìn và bảo tồn.
Nguồn: https://ift.tt/3kxRkyzNguồn: https://ift.tt/3kxRkyz
Hãy ra khỏi bờ biển và lên những ngọn đồi, bạn sẽ tìm thấy vẻ đẹp thực sự của Bali, Indonesia. Du khách có thể dễ...
0 nhận xét:
Post a Comment