latest Post

Nhà cổ Đức An - dấu ấn lịch sử phố Hội

Thứ Hai, ngày 25/01/2021 10:01 AM (GMT+7)

Nhà cổ Đức An không chỉ là công trình kiến trúc đặc sắc mang dấu ấn lịch sử của phố cổ Hội An, mà còn là một chứng tích về những thăng trầm của đất nước.

Nhà cổ Đức An - dấu ấn lịch sử phố Hội - 1
Nhà cổ Đức An - dấu ấn lịch sử phố Hội - 2

Mặt trước nhà cổ Đức An.

Cái nôi của cách mạng

Nhà cổ Đức An có địa chỉ tại số 129 đường Trần Phú (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Công trình được xây dựng năm 1830, giữa thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Ngôi nhà do cụ tổ họ Phan để lại cho con cháu, đến nay đã có 8 đời sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà này. 

“Đức An” có nghĩa là “giữ gìn đạo đức để bình an”. Đức An cũng là tên hiệu sách của gia tộc họ Phan, được hình thành từ cuối thế kỷ XIX, chuyên bán sách Hán Nôm và văn phòng phẩm ở tỉnh Quảng Nam. Khi đó, các nhà yêu nước kháng Pháp như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp... thường tới đây để mua và tìm đọc những cuốn sách có tư tưởng tiến bộ. Đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước kháng Pháp diễn ra rộng khắp tỉnh Quảng Nam và cả nước, nhà Đức An tiếp tục trở thành nơi truyền bá chủ nghĩa yêu nước tới nhân dân và tầng lớp trí thức.

Năm 1908, phong trào chống thuế diễn ra tại Quảng Nam và các tỉnh miền Trung thất bại. Nhà sách Đức An tạm dừng hoạt động và chuyển sang bán thuốc bắc. Tới năm 1923, nhà Đức An lại trở thành nơi gặp gỡ của thanh niên trí thức yêu nước. Tháng 10-1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hội An được thành lập tại nhà Đức An. Ngày 28-3-1930, Tỉnh ủy lâm thời tuyên bố thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam. Nhà Đức An tiếp tục trở thành nơi liên lạc và tổ chức hội họp của Đảng. 

Nhà Đức An còn là nơi sinh ra nhà yêu nước Cao Hồng Lãnh. Ông sinh năm 1906, tên thật là Phan Hải Thâm, bí danh Năm Thêm, là con út đời thứ 4 trong gia tộc họ Phan. Trong quá trình hoạt động, ông đã bị thực dân Pháp kết án vắng mặt 15 năm tù. Cả cuộc đời ông đi theo cách mạng, giữ nhiều chức vụ trong Đảng và Nhà nước, luôn là niềm tự hào của gia tộc họ Phan ở Hội An. Năm 2008, ông mất tại Hà Nội.

Nhà cổ Đức An - dấu ấn lịch sử phố Hội - 3

Không gian thoáng đãng bên trong nhà cổ Đức An.

Ngôi nhà cổ có kiến trúc đặc sắc

Nhà cổ Đức An có cấu trúc hình ống như đa số các ngôi nhà ở phố cổ Hội An, có mặt tiền rộng 7m, dài 40m, phần trước hướng về đường Trần Phú. Ngôi nhà có bố cục đăng đối với cửa đi ở giữa, hai bên là hai cửa sổ phục vụ việc buôn bán, phía trên cửa đi có hai mắt cửa - chi tiết điển hình của nhà cổ Hội An. Ngôi nhà có nhiều lớp không gian với những công năng khác nhau. Gian ngoài cùng là nơi buôn bán, hiện vẫn còn lưu giữ hệ thống tủ thuốc cũ. Gian kế tiếp là nơi thờ tự và không gian tưởng niệm, trưng bày những hình ảnh, kỷ vật về nhà yêu nước Cao Hồng Lãnh. Tiếp đến, kế bên sân trời là một hành lang dẫn vào nơi ở của gia đình.

Nhà cổ Đức An mang phong cách kiến trúc Việt thường thấy của cư dân phố thị gần biển, giáp sông vào đầu thế kỷ XIX. Hệ khung nhà được làm theo lối nhà rường miền Trung. Bao quanh là tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Hệ khung gỗ nhà trước có kết cấu kiểu “chồng rường - giả thủ” và “mái chồng trụ đội” có công năng chịu lực và mở rộng không gian. Nhà giữa là nơi sinh hoạt gia đình, cũng có kết cấu chồng rường nhưng hai mái chồng lên nhau, kéo ra phía sau tạo thành căn lầu lớn nối liền với sân trời. Đây là kiểu nhà “mái chồng mái trốn lầu” độc nhất còn sót lại ở Hội An.

Nhà Đức An hiện còn lưu giữ nhiều vật dụng và sách cổ. Cùng với kiến trúc được bảo tồn gần như nguyên vẹn, ngôi nhà cổ này là một phần linh hồn của phố Hội. Đặc biệt, trong nhà lưu giữ được hệ thống hoành phi, câu đối cổ thể hiện nội dung đáng chú ý như: “Đức An hiệu” (cửa hiệu Đức An), “Phan tông đường” (từ đường dòng họ Phan), “Mỹ hoán luân” (kiến trúc cao lớn, tráng lệ), “Ẩm hà tư nguyên” (Uống nước nhớ nguồn)...

Chị Trần Hoàng Mai, du khách từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến thăm nhà cổ Đức An chia sẻ: “Đây là một ngôi nhà cổ rất đẹp. Di sản này cần được bảo tồn, gìn giữ bởi nó chứa đựng những giá trị tinh thần của đất Hội An”. Còn ông Phan Ngọc Trâm, hậu duệ đời thứ 6 họ Phan, chủ nhân hiện tại của nhà cổ Đức An cho biết: “Dù năm nào nơi đây cũng có lũ lụt và đã trải qua vài lần trùng tu nhưng nhà cổ Đức An vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những giá trị văn hóa của ông cha để lại. Thế hệ con cháu dòng họ Phan chúng tôi sẽ làm hết sức mình để bảo tồn, giữ gìn ngôi nhà này xứng đáng là một di tích lịch sử, nơi ghi dấu ấn về đất và người Hội An”.

Nguồn: https://ift.tt/3sNCCINNguồn: https://ift.tt/3sNCCIN

Tỉnh nào ở nước ta duy nhất hiện có hai sân bay?

Trong số hơn 20 sân bay thì tỉnh này có đường hàng không với hai sân bay nội địa và quốc tế.

About Kiếm Tiền Trên Mạng

Kiếm Tiền Trên Mạng
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment