Khách quốc tế đến Việt Nam vẫn rất “èo uột”
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, chỉ trong 4 ngày, ngành Du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22 nghìn tỉ đồng.
Ấn tượng nhất phải kể đến như Thanh Hóa đón gần 900.000 lượt khách, Hà Nội trong 4 ngày nghỉ lễ đón hơn 550.000 lượt khách, Đà Nẵng đạt hơn 254.000 lượt khách…
Đối với số lượng khách quốc tế thì 4 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đạt hơn 92.400 lượt, riêng tháng 4/2022 Việt Nam đón 101.000 lượt khách quốc tế, tăng 242,9% so với tháng 3/2022 và tăng 520,6% so với cùng kỳ 2021.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, số lượng khách tuy chưa nhiều nhưng tốc độ tăng khá cao cho thấy thị trường du lịch quốc tế đang dần ấm lại.
Và thực tế, du lịch Việt Nam đang có những tín hiệu khởi sắc thực sự, đặc biệt là thị trường du lịch nội địa. Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tại các điểm đến như Ninh Bình, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Phú Quốc, Thanh Hóa, Quy Nhơn… trong những kỳ nghỉ lễ đã rất đông du khách nội địa và những ngày không phải kỳ nghỉ lễ, đặc biệt là ngày thường thì lượng khách cũng không ít. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế thì lại khá ít, thậm chí có những địa điểm du lịch tìm mãi mới thấy một vài du khách nước ngoài.
Rất nhiều doanh nghiệp lữ hành chia sẻ, đến thời điểm hiện tại công ty của họ cũng đã có khách quốc tế đặt tour đến Việt Nam, thế nhưng lượng khách chỉ đi nhóm nhỏ từ 1 đến 2 người hoặc 4 đến 5 người. Ngoài ra, lượng khách về Việt Nam chủ yếu là thăm thân, người Việt Kiều, hoặc những khách quốc tế kết hợp giữa đi công vụ và du lịch.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Dương Doãn Lâm – Công ty Tiên Phong Đông Dương cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, công ty chúng tôi đã có khá nhiều du khách quốc tế yêu cầu xem các tour đến Việt Nam, tuy nhiên book tour để đi thì lại chưa nhiều.
Thị trường chính của chúng tôi là Mỹ, châu Âu và Úc. Khách hàng của tôi chủ yếu muốn đi du lịch khoảng thời gian từ 10 đến 20 ngày và đi liên 3 nước như Việt Nam – Lào – Campuchia. Hầu như khách thích đi tour dài đến cả 3 nước Đông Dương.
Vừa qua Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31, báo quốc tế đăng tải những thông tin, hình ảnh các sân vận động chật kín khán giả, hình ảnh cuộc sống người Việt Nam đã trở lại bình thường, điều này khiến cả thế giới biết Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid. Tuy nhiên, nhìn những tín hiệu tích cực đó, không có nghĩa là không còn những khó khăn, vướng mắc. Nhất là lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang quá ít ỏi”.
Lý giải về sự “èo uột” này, ông Dương Doãn Lâm cho rằng có ba yếu tố chính. “Từ góc nhìn của tôi, khi tôi có những va đập thực tế với các đối tác và khách hàng nước ngoài thì có yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan.
Yếu tố khách quan, đó là tâm lý khách hàng chưa thực sự sẵn sàng về sự an toàn. Họ vẫn cần thời gian để nghe ngóng, sau quãng thời gian dài dịch Covid–19 diễn ra.
Khách quốc tế hạn chế đến Việt Nam bởi thiếu đường bay thẳng và ít chuyến bay
Cũng theo ông Lâm, bên cạnh lý do trên, còn có lý do chủ quan, Việt Nam vẫn là nước chưa có tất cả các chuyến bay thẳng, ở một số nước muốn đến Việt Nam vẫn cần phải dừng chân quá cảnh ở một nước thứ ba. Ví dụ như giờ muốn đến Việt Nam nhưng phải quá cảnh qua Trung Quốc, trong khi hiện tại Trung Quốc đang thực hiện kế sách zero Covid.
Hay như nước trung chuyển là Hàn Quốc, Nhật Bản, thì cả hai nước này vẫn chưa thực sự sẵn sàng mở cửa hoàn toàn biên giới. Với những đường bay chưa sẵn sàng như vậy thì dù khách quốc tế muốn sang Việt Nam lắm cũng cần phải chờ đợi.
Tiếp nữa là các chuyến bay trong vùng như Đông Nam Á, ba nước Đông Dương chưa có nhiều chuyến bay. Khách hàng từ Mỹ hay Châu Âu chia sẻ với công ty du lịch rằng, họ đã mất công đi du lịch, muốn sử dụng tối đa thời gian để được đi du lịch nhiều nơi, nhiều nước khác nhau, chứ không chỉ đi du lịch ở Việt Nam rồi lại quay về, như vậy tốn kém công sức và tiền.
Thế nhưng rào cản hiện nay là các chuyến bay trong vùng chưa thực sự sẵn sàng. Tần suất bay rất thấp, số lượng các chuyến bay quá ít, ví dụ như Hà Nội – Phnôm Pênh tuần chỉ có một vài chuyến. Không giống như trước dịch, khách hàng có thể tùy chọn ngày, giờ để bay một cách dễ dàng mà không phải chờ đợi quá lâu.
Hiện tại, khách hàng của tôi đặt tour đi ba nước Đông Dương, công ty của ông Lâm phải tìm kiếm, chọn lựa để có chuyến bay của cả ba nước, thế nhưng những ngày có chuyến bay lại không phù hợp với kế hoạch của họ.
Visa là “chìa khóa” để hút khách quốc tế đến Việt Nam
Lý do chủ quan tiếp theo được ông Lâm đề cập đó là vấn đề cấp visa. Thời gian qua, Chính phủ đã ra Nghị định 128, Nghị quyết miễn thị thực cho 13 nước, quy định y tế đối với khách quốc tế khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã rất nỗ lực để mở cửa và phục hồi du lịch. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp như chúng tôi, khi làm tour, thông báo tới khách về việc làm visa thì vẫn vấp phải những khó khăn. Có những khách hàng báo với tôi rằng, họ khai báo visa điện tử, nhưng chờ mãi chưa thấy hồi âm, hoặc nếu có thì thời gian phản hồi quá lâu.
Trong khi có khách hàng họ đặt tour sát với ngày khởi hành, ví dụ ngày khởi hành tour vào đầu tháng 6 thì giữa tháng 5 họ muốn đặt tour nhưng vì thủ tục visa mà họ không thể đặt tour được nữa. Nhiều khách hàng khi thấy thủ tục qua nhiều khâu làm visa như vậy đã thay đổi kế hoạch, thay đổi điểm đến.
“Chúng tôi đang chưa biết làm thế nào để hóa giải rào cản về thủ tục làm visa. Doanh nghiệp không có bất cứ thông tin để lên kế hoạch cho khách hàng của mình. Nói một cách ví von, làm thủ tục visa cho khách quốc tế thời điểm này chẳng khác nào “bịt mắt để mò” kim.
Tôi không có ý phàn nàn, chỉ là cách nhìn nhận thực tế, nhìn sang hàng xóm, Lào, Campuchia họ đang làm khá tốt trong cách cấp visa nhanh chóng, tiện lợi. Webside chỉn chu, chuyên nghiệp. Nhìn vào đó khách hàng thấy độ tin cậy cao.
Có thể nói visa là chìa khóa để khách quốc tế đến với mình nhiều hay ít, tôi cho đây cũng là nguyên nhân khiến lượng khách nhỏ giọt trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh còn có các lý do như: cơ sở vật chất cũng đã hư hỏng, chuyển đổi nên khó đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt là nguồn nhân lực đang là vấn đề lớn đối với các công ty, doanh nghiệp du lịch.
Từ các doanh nghiệp vận chuyển như hàng không, ô tô, tàu thuyền du lịch đến các khách sạn, dịch vụ chăm sóc… tất cả đều thiếu nhân lực, hoặc không đủ điều kiện kinh tế để tái đầu tư cho thật chỉn chu.
Tôi được biết rất nhiều khách sạn đang thiếu nhân viên lễ tân, nhân viên buồng phòng, thậm chí những vị trí chủ chốt như quản lý cũng khó tìm được nhân viên cũ hoặc nhân viên chuyên nghiệp”, ông Dương Doãn Lâm cho biết.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng vắng khách quốc tế, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trương Quốc Hùng – Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO cho biết: “Thực tế, hoạt động đón khách quốc tế hiện nay còn rất ít, chủ yếu là khách chuyên gia hoặc nhóm khách nhỏ. Sở dĩ có tình trạng này là bởi tình trạng nền kinh tế chung cũng gặp nhiều khó khăn. Thu nhập tại nhiều quốc gia trên thế giới chỉ đảm bảo mức sống ổn định.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khách quốc tế ít đi du lịch hơn trước. Bên cạnh đó, nhiều công ty du lịch quốc tế vẫn chưa hoạt động mở cửa trở lại dẫn đến tình trạng lượng khách du lịch quốc tế còn hạn chế.
Ngoài ra, tại thị trường tiềm năng là Trung Quốc đang thực hiện chính sách zero Covid, nên số lượng khách quốc tế này vẫn chưa đi du lịch. Điều này cũng là nguyên nhân khiến thị trường khách quốc tế ảm đạm. Các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu hay Mỹ cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Đồng thời du khách cũng cần có sự chuẩn bị trước chuyến đi. Các thị trường trong khu vực Đông Nam Á cũng là thị trường tiềm năng, đây là những thị trường có thể kỳ vọng trong tương lai”.
Nói về chính sách hỗ trợ, miễn visa quốc tế, ông Hùng cho rằng đây là điều nên làm và cần được mở rộng. Tuy nhiên, đây cũng không phải là nguyên nhân chính. Bởi lẽ đây là chính sách lâu dài. Còn lại, lượng khách vẫn phụ thuộc vào tình hình kinh tế chung.
Có thể thấy giải pháp cho những rào cản để lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đang là bài toán khó cho các doanh nghiệp du lịch và lữ hành mặc dù không thể không ghi nhận những nỗ lực từ Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch cùng các Bộ, Ban ngành liên quan đã hết sức cố gắng với những văn bản, những quy định về nhập cảnh, quy định y tế được thông thoáng, nới lỏng.
Tuy nhiên dường như các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay, mò mẫm trong mớ “bòng bong” về thủ tục visa, về các chuyến bay… Dù từ nguyên nhân khách quan hay chủ quan nhưng đây vẫn là thực tế, vướng mắc khiến khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chỉ ở mức “nhỏ giọt”.
Du lịch | Cập nhận tin tức Du Lịch 24/7
Nguồn: Sưu Tầm
0 nhận xét:
Post a Comment