Lục Ngạn tiềm năng với 4 mùa trái cây
Là huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang với khí hậu ôn hoà, Lục Ngạn là một vùng cây ăn quả trù phú với diện tích cây ăn quả trên 28.000 ha, trong đó có nhiều loại cây đặc sản như vải thiều, nhãn, cam ngọt, bưởi…”.
Không như những vùng khác, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái trong cả năm để đón khách du lịch thăm quan, trải nghiệm. Từ tháng 1 đến tháng 3 có cam V2, táo, hoa mận, hoa cam, bưởi và vải; tháng 3 ngắm hoa và trải nghiệm quay mật ong; tháng 5,6,7 có vải; tháng 7, 8 có nhãn; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối… Những mùa hoa và thu hoạch quả, du khách có thể trải nghiệm tận tay hái trái tại vườn. Chất lượng trái cây Lục Ngạn ngày càng cao, đậm vị, hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Khách du lịch biết tới Lục Ngạn nhiều nhất là vải thiều chín. Những ngày này, Lục Ngạn đang đón nhiều thương nhân trong và ngoài nước, khách du lịch, người lao động khắp nơi về để mua bán, tham quan, trải nghiệm, tham gia các hoạt động trong vụ thu hoạch vải thiều.
Hội nghị xúc tiến du lịch và phát động chương trình du lịch “Hương sắc mùa hè Lục Ngạn” năm 2022 là sự kiện đầu tiên được tổ chức kể từ sau đại dịch Covid-19 nhằm kích cầu du lịch đến Lục Ngạn
Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, ngoài tiềm năng về du lịch nông nghiệp với 4 mùa cây trái tốt tươi, Lục Ngạn còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá; nơi còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hoá phi vật thể như hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn… đặc biệt, dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, dân ca Cao Lan xã Đèo Gia, hát Then của dân tộc Tày Nùng được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lục Ngạn có nhiều di tích được xếp hạng, tiêu biểu phải kể đến di tích quốc gia chùa Am Vãi, đền Hả. Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hoá, Lục Ngạn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp như: hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần; suối Cặm, suối Đấy, suối Tà Cang hoang sơ, kỳ vĩ… Lục Ngạn cũng có 3 làng nghề truyền thống là: Làng nghề mỳ Chũ, xã Nam Dương; làng nghề rượu mem lá xã Kiên Thành; làng nghề cây cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải.
Chương trình này được tổ chức với mong muốn để khai thác tiềm năng và phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, tăng cường quảng bá, mời gọi du khách về Lục Ngạn tham quan, trải nghiệm tại các vườn cây, ngắm cảnh đẹp thưởng thức những trái vải thiều đặc sản thơm ngon. Loại quả này cũng được xác lập là 1 trong 10 món ăn, đặc sản đạt giá trị kỷ lục Đông Nam Á năm 2018. Đây là một chương trình với hướng đi mới của Lục Ngạn trong phát triển du lịch.
Năm 2020, có khoảng 300.000 lượt khách đến tham Lục Ngạn. Lượng khách chủ yếu đi trong ngày, tự túc ăn uống và tập trung vào vụ thu hoạch vải thiều, cam, bưởi… Theo đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Lục Ngạn, đến năm 2025, huyện hình thành 7 điểm du lịch được công nhận. Mỗi điểm có từ 10-20 hộ dân tham gia làm du lịch, phấn đấu thu hút 1 triệu khách tham quan, trải nghiệm vào năm 2025.
Lục Ngạn – Bắc Giang đặt mục tiêu thu hút 1 triệu khách tham quan, trải nghiệm vào năm 2025
Bí thư huyện uỷ Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh cho rằng, dù có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng Lục Ngạn chưa khai thác, phát triển tương xứng, vì thế trong Nghị quyết Đại hội, Đảng bộ huyện đã xác định phát triển du lịch là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, đề án về thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Về không gian du lịch, huyện tập trung xây dựng và phát triển không gian du lịch sinh thái – cộng đồng vùng cây ăn quả trọng điểm; không gian du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng – giải trí hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn; không gian du lịch văn hóa – tâm linh. Đồng thời lựa chọn các điểm trọng tâm để đầu tư phát triển du lịch tại các xã Mỹ An, Tân Mộc, Quý Sơn, Thanh Hải, Hồng Giang, Tân Quang, Tân Sơn….
Giải pháp mà huyện tập trung là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; xúc tiến thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch; liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, đơn vị; tăng cường đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch và phát triển các ngành dịch vụ, lĩnh vực hỗ trợ phát triển du lịch.
Với hướng đi này, du lịch của Lục Ngạn ngày càng phát triển mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp. Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch của Lục Ngạn có nhiều khởi sắc, nhiều hợp tác xã du lịch được thành lập và đi vào hoạt động, người dân tích cực và hào hứng tham gia làm du lịch, du khách đến với Lục Ngạn ngày một nhiều hơn, thời gian ở lại lâu hơn, qua đó đã góp phần tích cực vào việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Du lịch | Cập nhận tin tức Du Lịch 24/7
Nguồn: Sưu Tầm
0 nhận xét:
Post a Comment