Rừng nguyên sinh: Để cho cá sấu được hiền lành trong vương quốc riêng
Bàu Sấu là một khu Ramsar – đất ngập nước, được công nhận theo công ước quốc tế, nằm sâu trong rừng Cát tiên. Tôi muốn vào Bàu Sấu, nhưng khi đăng ký dịch vụ người dẫn đường, ban quản lý nói hết người rồi. Họ bảo chúng tôi tự đi, vì đường dễ đi lắm.
Nhưng đó là một lối mòn nhỏ hẹp, cây cối rậm rạp, theo những gì tôi đọc được trên mạng thì có nhiều rắn. Năn nỉ mãi, chắc anh Tóc Dài có can thiệp, tôi mới có Khánh dẫn đi. Nhưng Khánh giao hẹn, em chỉ đưa chị vào trạm kiểm lâm (cách bìa rừng 15km, trong đó có 5km đi bộ), rồi quay ra vì vợ em mang thai, muốn em tối phải về nhà. Sáng hôm sau chị ra thì tự đi theo lối mòn ra nhé.
Chúng tôi có 4 người, toàn nữ, bắt đầu chặng đường. Rừng ở đây bằng phẳng, dễ đi, nhưng Khánh chỉ cho chúng tôi những dấu vết của Voi mới đi qua. Chị đừng nghĩ Voi đi đủng đỉnh như trong rạp xiếc nhé, trong rừng nó đi nhanh như gió cuốn, vòi nó văng đổ cây gãy cành rầm rầm. Kệ, tôi nghĩ, nhìn Khánh thản nhiên thế, chắc dọa. Trên đường đi, tôi dừng lại bôi thêm thuốc chống vắt vào chân, Khánh nhắc ngay khi tôi vô ý định bỏ lại vỏ hộp thuốc trong rừng. Phải bỏ túi mang ra, không để lại rác, một cái vỏ hộp thuốc bé tý xíu như bao diêm cũng không.
Sau khoảng hơn một giờ đi bộ, trong rừng rậm rạp gần như không nhìn thấy bầu trời, chúng tôi bất ngờ bước ra một vùng rất rộng lớn. Bàu Sấu là một cái đầm rộng đến 2.500 ha, cỏ cây xanh mướt. Lúc đó trời đã về chiều, ráng hoàng hôn vàng rực, làn gió tươi mát thổi tới, những cánh chim chớp chớp trên không trung, vài con công xanh đang kiếm ăn trên cỏ… Quả là bõ công đi bộ xuyên rừng tới đây.
Trạm kiểm lâm là ngôi nhà sàn gỗ, đồ đạc đơn sơ nhưng rất sạch sẽ ngăn nắp. Ngọc đang hí húi nấu cơm bằng nồi gang. Còn có Khôi và Công nữa, ba người họ vui vẻ chào đón khách. Đây cũng là một dịch vụ kiểm lâm nhận làm cho những du khách thích trải nghiệm, nhưng họ chỉ nhận những đoàn khách nhỏ, dưới 20 người.
Khôi bảo, thời tiết đang đẹp, đi xuồng đi. Tôi biết đây là đầm đầy cá sấu, nhưng họ bảo đi được thì có gì phải sợ. Mặt nước phẳng như gương, nhìn thật bình yên. Tuy thế, cái xuồng mỏng dính, khi ngồi lên giọng Ngọc nghiêm khắc: "chị ngồi vào giữa, không được cho tay xuống nước nhé". Cá sấu vốn là loài tàu ngầm siêu đẳng, có thể bơi mà không tạo sóng.
Chúng là loài cá sấu nước ngọt, đã từng bị săn bắt đến gần như tuyệt chủng, sách đỏ thế giới năm 1992 đã xếp chúng vào loại cực kỳ nguy cấp. Nhưng chúng đã được kiên trì khôi phục lại trong 20 năm trở lại đây. Bàu Sấu bây giờ có khoảng 600 con cá sấu. Ngọc vừa chèo xuồng, vừa bảo, cá sấu đâu có đáng sợ, người ta đổ oan cho nó là hung dữ. Thực ra chúng nó sợ người, luôn luôn tránh người, chứ không phải loài tấn công người. Chị đừng có đọc truyện với xem phim nhiều quá.
Chúng tôi còn bất ngờ khi biết Ngọc là một tay máy chụp ảnh nghiệp dư nhưng từng đoạt giải. Cậu căn những góc hình đẹp chụp cho cả đoàn cho đến lúc mặt trời lặn hẳn. Chúng tôi quay xuồng trở lại trạm, lúc còn giữa đầm, bỗng Ngọc kêu lên: "Sao có bóng người ở trên nhà kia, ở đây thì chỉ có thể là hồn ma thôi!". Ai vào đây cũng phải đăng ký trước từ bìa rừng, không thể có ai tự đi vào, mà kiểm lâm không biết.
Có một người ngồi trên bậc cấp, trong bóng chiều nhập nhoạng thật, đó là Khánh. Tôi ngạc nhiên, sao em bảo phải quay ra ngay mà? Khánh nói em không vội, giờ mới bắt đầu đi. Rừng rậm đi ban ngày còn rờn rợn, ban đêm thì không biết thế nào. Khánh bảo em quen mà, rồi biến mất vào trong bóng tối. Một lúc sau, tôi mới biết thêm là, tất cả những chàng kiểm lâm ở đây đều có thể đi trong rừng đêm với cặp mắt như của loài nai.
Bữa cơm kiểm lâm nấu thật ngon, có món cá rô phi trong đầm và rau tự trồng. Trạm dùng điện mặt trời, thấy bảo đến khoảng nửa đêm thì điện dự trữ sẽ hết. Đêm không phải của con người, đêm là của các loài sinh vật khác, tôi đã đọc ở đâu đó nói thế. Điều đó giờ đây thật đúng. Trong bóng tối, điều kỳ diệu nhất của Bàu Sấu bắt đầu. Những con cá sấu nổi lên, mắt chúng bắt ánh đèn, sáng lóe như sao.
Dựa vào khoảng cách giữa hai chấm sáng có thể đoán con cá sấu to hay nhỏ. Khách thích thú khi thấy con to, kiểm lâm mừng khi thấy con nhỏ, vì điều đó chứng tỏ đàn cá sấu đang sinh sôi thêm. Hàng trăm cặp mắt đang lấp lánh trên đầm. Còn trên bờ, những đàn nai bắt đầu kéo ra ăn cỏ. Mắt nai cũng sáng lên trong đêm như vậy. Hai con đực to lớn canh chừng cho đàn.
Không biết nếu nai khát, xuống đầm uống nước có bị sói ăn thịt không. Khôi bảo, cứ tôn trọng tự nhiên thôi chị. Công ít nói, chỉ cười. Một lát, Ngọc tắt đèn và chúng tôi thấy các lùm cây lập lòe đom đóm. Như những ngôi sao biết bay, đom đóm sà cả vào trong ngôi nhà kiểm lâm. Trên không trung, vang lên những tiếng kêu của con chim ăn đêm, họ bảo là con cú muỗi.
Khi tôi bắt đầu buồn ngủ thì thấy Khôi với Công xếp ba lô chuẩn bị vào rừng. Ngạc nhiên, tôi tưởng họ chỉ phải canh ở trạm hoặc đi tuần ban ngày thôi. Nhưng được biết, họ sẽ tuần đêm, di chuyển khoảng 10km trong yên lặng, không chiếu đèn, sẽ đến mật phục ở một số điểm được đánh dấu trước là có nguy cơ, không nói chuyện, không hút thuốc, thay nhau lắng nghe để phát hiện nếu có vi phạm rừng. Trong tư trang có cả quần áo để thay nếu lội qua suối bị ướt. Càng nghe càng nể. Hèn gì, Khánh có thể đi thản nhiên trong rừng tối. Kiểm lâm quả thực quá nhiều việc, cả khu rừng rộng lớn này, đội ngũ kiểm lâm chỉ khoảng 130 người thôi.
Còn lại Ngọc và chúng tôi, tất cả kéo nhau ra cái lầu gỗ sát bờ đầm, nghe gió rừng vi vút. Đếm cá sấu chán thì Ngọc bảo, còn thứ quí hiếm đây này, em giới thiệu cho xem, cứt chim nhé. Cả bọn phì cười, nhưng mà thật, phân phim khô trắng trên sàn gỗ, rất nhiều, thêm một minh chứng là khu rừng này còn rất phong phú các giống loài.
Chúng tôi vừa ngồi tán chuyện vừa ăn đêm. Ngọc ném vỏ cam quýt thẳng xuống đầm nhưng vỏ bánh kẹo và chai nước thì gom lại hết. Tôi cũng để ý thấy trong bếp và nhà tắm đều phân loại rác như vậy. Những chuyến ra khỏi rừng, kiểm lâm sẽ mang rác ra theo. Nhìn cũng biết điều đó đã thành thói quen, là nền nếp và kỷ luật của họ.
Càng nói chuyện càng thân, Ngọc mở cửa phòng lấy ảnh bố mẹ cho chúng tôi xem. Trên bàn đầu giường ngủ của cậu ấy bày đầy những chiếc vỏ của con ốc ma. Gọi là ốc ma vì nó ở trên cây, không ai nhìn thấy nó lúc còn sống, chỉ đến khi chết rồi, cái vỏ rơi xuống đất thôi. Thấy chúng tôi thích thú với đám vỏ ốc, Ngọc lôi ra khoe một túi những viên đá màu sắc nhặt được lúc đi tuần, tặng mỗi người một viên làm kỷ niệm.
Ngọc chưa có gia đình riêng. Cứ ở rừng 22 ngày, cậu được về nghỉ 8 ngày. Vài tháng lại đổi trạm một lần. Hỏi tuổi thì không nói, dí dỏm bảo tuổi tâm hồn của em chỉ 22. Xung quanh trạm, mấy anh em còn sưu tầm về những bụi lan rừng, và trồng một loại cỏ màu tím thành hình trái tim khổng lồ rất lãng mạn.
Vắt cắn, lời nhắn của rừng: Gặp Voi chỉ cần tránh đường cho "Ông" đi khỏi
Sáng hôm sau khi tôi thức dậy thì Công đã về, đang pha trà. Cậu rất ít nói, mặt hiền khô. Không biết lúc gặp lâm tặc thì thế nào nhỉ. Tôi đi một mình xuống bậc cấp dẫn ra đầm. Bước chân lên cái cầu gỗ kiểu như cầu ao quê, thì nhìn thấy ngay một con cá sấu đang nổi dưới mặt cầu. Đánh bạo rút điện thoại ra, định chụp một bức ảnh đung đưa chân ngay trên lưng cá sấu thì Vi, cô gái cùng đoàn đi phía sau ré lên sợ hãi, con cá sấu lặn ngay xuống nước.
Tưởng nó đi hẳn, nhưng không, giây lát sau nó bò hẳn lên cầu, há mồm ra nằm chình ình ở đấy. Nó phơi nắng, phơi răng cho đỡ sâu răng. Cái bụng tròn vo, chắc đêm qua no nê rồi. Dọc bờ đầm, chỗ nào có nắng là cá sấu phơi mình như thế, có con nằm cạnh bụi bèo tây đầy hoa tím nhìn cũng lãng mạn. Mấy con ngan kiểm lâm nuôi đi dạo quanh khinh khỉnh đứng nhìn. Cũng chả có ai nhắc chúng tôi phải cẩn thận cả. Hay cá sấu đúng là hiền thật nhỉ?
Lưu luyến mấy rồi cũng phải chia tay, chiều tối nay chúng tôi có chuyến bay về Hà Nội. Vừa đứng lên định tạm biệt kiểm lâm thì… có tiếng chuông điện thoại. Lưu ý là trong này không có sóng, không có mạng mẽo gì cả, từ lúc chúng tôi vào đã mất liên lạc rồi mà. Chuyện gì đây?
Hóa ra có một khoảng nhỏ trong một cái ô cửa sổ duy nhất có sóng, không biết bằng cái yếu tố kỹ thuật gì đó, kiểm lâm gọi là ô cửa tình yêu. Đó là đầu mối liên lạc duy nhất ở đây, mà cũng khá chập chờn. Có tin báo về là có Voi xuất hiện trên đường ra. Ái chà, từ lúc vào rừng đến giờ không thấy người trong này sợ con gì cả, nhưng nhắc tới Voi thì các cậu tỏ ra e ngại phết. Rất tự nhiên, các cậu ấy gọi là Ông Voi. Về sau, lúc ra khỏi rừng rồi, tôi mới được xem bức ảnh Thương chụp Ông Voi hôm ấy kèm bình luận: "Lạy Cụ, Cụ cứ làm chúng con hết hồn. Cái tai cụ đẹp quá!". Hôm ấy Voi hứng chí thế nào ra hẳn chỗ đường ô tô, cái tai màu hồng tím, nổi gân như lá sen rất đẹp.
Lúc đó kiểm lâm vẫn bảo chúng tôi đi ra bình thường, gặp voi thì cứ chạy vòng tròn thôi. Nghe như nửa thật nửa đùa, nhưng vì từ lúc nghe anh Tóc Dài trân quí con vắt, đến lúc có con ong độc đốt mà em Thương không hoảng loạn, rồi con cá sấu bò lên bờ mà kiểm lâm chẳng hề bảo phải đứng xa 3 mét như trên mạng khuyến cáo, tôi đã hiểu là ở đây họ không có những nỗi sợ sệt giống như phần lớn chúng ta bên ngoài.
Họ quen và sống như một phần của sinh thái rừng. Sống cùng các loài, hiểu tập tính của nhau, tôn trọng và không xâm phạm nhau, nói chung là an toàn, nếu có chuyện gì xảy ra thì bình thản ứng cứu, thế thôi. Thương và Khánh đều không cần đi tất chống vắt, họ có cách đi mà vắt khó bám. Khi Ngọc nói có hồn ma cậu ấy cũng không giỡn, cậu bảo cây cỏ cũng có linh hồn đó, và cậu ấy chả tỏ vẻ gì là sợ hãi cả. Anh Tóc Dài cũng nói tương tự như vậy. Và bây giờ là con Voi, họ dạy chúng tôi cách ứng phó đơn giản, và thế chắc là đủ rồi.
Có rất nhiều thứ mà thời gian ngắn tôi còn chưa kịp thấy, ví dụ như những cây nấm phát sáng trong đêm, những con chim muôn màu sắc ảo diệu, những cái dây leo mảnh mai lớn lên từ từ mà có thể siết đến mục nát một cái cây to. Xem ảnh của nhóm các bạn hay đi rừng mới biết. Rừng nguyên sinh không phải như những khu rừng trồng mới, nhìn sạch đẹp ngay ngắn nhưng nghèo nàn, chẳng có bí ẩn gì bên trong. Rừng nguyên sinh là hàng ngàn, hàng triệu mắt xích của sự sống, mắt xích nào cũng quí giá, chứ không chỉ là riêng sinh mạng của con người.
Chúng tôi tạm biệt trạm kiểm lâm. Trên đường ra lại gặp một nhóm nhỏ đi vào. Mỗi ngày một vài người, chắc cũng là vừa đủ, chỉ mang về những bức ảnh, chỉ để lại những dấu chân, không làm xáo trộn quá đến thiên nhiên. Lại nhớ đến anh Tóc Dài dịch lời con vượn, rằng mỗi khi nó tru lên, là nó đang nói chỗ này sổ đỏ của tao đấy, nên phải tôn trọng nó.
Đừng mở rộng con đường này thành đường xe điện, đừng dồn thú hoang vào những loại hàng rào và đừng quét sạch hết những con vắt đang chờ chích máu. Tạo hóa đã sinh ra loài gì là có lý do để loài đó tồn tại. Chích một ít máu thôi nhưng giữ cho sinh thái cân bằng, sự tuyệt chủng không diễn ra hàng loạt từ loài này sang loài khác. Tôi nhớ mình đã từng bị vắt chích ở Cúc Phương, ở Tam Đảo. Nhưng bây giờ Cúc Phương phải đi rất sâu vào trong rừng mới có vắt, khu vực ngoài làm du lịch chỉ… toàn người. Tam Đảo thì đã khóa tuyến đi bộ vào vùng lõi, nghe đâu đang làm resort. Làm gì còn vắt nữa.
Có lẽ, chuyến đi này của tôi thật may mắn vì đã gặp anh Tóc Dài, em Thương, các kiểm lâm, gặp rất nhiều vắt, nai, vượn, và cá sấu. Suýt nữa gặp cả voi. Đó là những minh chứng rừng còn khá giàu. Tất nhiên tôi cũng không phải ngốc đến nỗi sau 3 ngày mà tin rằng chỉ cần có anh Tóc Dài, em Thương và trạm kiểm lâm là rừng sẽ an lành, muông thú hát ca.
Tất cả những gì tôi thấy mới chỉ là những ấn tượng ngắn ngủi, ở những góc hình đẹp. Ở chỗ này, chỗ khác, chúng ta lại sẽ thấy rừng chảy máu, không được bảo vệ hay chỉ bảo vệ trá hình, rồi kiểm lâm, lâm tặc lại không khác gì nhau… Nhưng để cho cái xấu ít đi, mỗi người đều có thể tự dặn mình, không ăn thịt loài nguy cấp, không dùng gỗ quí hiếm, không ủng hộ những doanh nghiệp xẻ rừng. Không còn người mua thì không còn kẻ bán. Rừng chỉ là chỗ trân trọng đến ngắm chơi.
Và đến để nghe những lời nhắn của rừng.
0 nhận xét:
Post a Comment