Học ngành nuôi trồng thủy hải sản (trường ĐH Nông Lâm TPHCM) nhưng Thanh Trực lại bén duyên với công việc du lịch ngay từ những năm tháng trên giảng đường. Năm 2014, khi ra trường, Trực làm giáo viên kỹ năng cho một hệ thống trường học tư thục tại TPHCM. Hai năm sau, Trực ra ngoài tự tổ chức tour. “Khi mình đi dạy cho học sinh tiểu học, môi trường ở lớp học không đủ dụng cụ và không gian phù hợp nên mình chọn làm du lịch kết hợp với dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ”, Trực nhớ lại.
Nhiều năm kinh nghiệm trekking (đi bộ khám phá) và bỏ túi kha khá kỹ năng sinh tồn, Trực mong muốn được đem những trải nghiệm mình có đồng hành cùng các bé qua các chuyến đi. Nói về các tour độc đáo mang tính thử thách cho trẻ, Trực cho biết nhiều bé được gia đình cho tham gia các tour du lịch nhưng chưa được trang bị kỹ năng sinh tồn, ứng phó cùng những tình huống khó khăn có thể xảy ra, chính vì vậy, Trực muốn làm các tour dạy các bé thêm về kỹ năng mềm.
“Các tour sinh tồn mình thiết kế sẽ hướng dẫn trẻ ứng phó xử lý tình huống, học hỏi những kỹ năng sinh tồn cần thiết như kỹ năng đi rừng, lội suối, sơ cứu cơ bản, nút thắt sinh tồn…”, Trực bày tỏ. Cũng theo nam thanh niên 9x, đây là những kiến thức quan trọng cần thiết cho các bé khi du lịch trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên, giúp các bé thêm kỹ năng sống và bản lĩnh cho các chuyến đi.
Các chuyến đi của Trực cùng các bé diễn ra đều đặn hàng tuần, hàng tháng. Các bé tham gia đều đi một mình và trải nghiệm “lên rừng xuống biển” trong 2-3 ngày. Các chương trình mang tên “24h thử thách”, “48h thử thách” với nhiều địa điểm khác nhau như khi Bà Rịa - Vũng Tàu, lúc Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng… Cũng có tour Trực kết hợp cho trẻ thực hiện các hoạt động thiện nguyện như làm bánh trung thu, đèn lồng trung thu tặng cho trẻ em nghèo các xã vùng xa, trao quà xuân cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Những tour "chẳng giống ai” của Thanh Trực đã dần chiếm được tình cảm của nhiều ba mẹ có con nhỏ tại TPHCM và các tỉnh lân cận. “Thấy chương trình kỹ năng trải nghiệm cho bé do thầy Trực thiết kế rất thú vị nên mình cũng tìm hiểu thử. Sau lần đầu tham gia, bé nhà mình rất thích. Về sau, khi có thời gian phù hợp mình lại đăng ký các bé cùng tham gia chương trình” - Chị Quách Hoàng Xuân (ngụ tại Q.12, phụ huynh từng cho con tham gia chương trình tour của Thanh Trực thiết kế) chia sẻ.
Làm giàu trên chính quê hương
Bắt đầu dự án vào tháng 10/2022 và chỉ sau 2 tháng triển khai, Thanh Trực đã đón đợt khách đầu tiên. Nói về lý do xây dựng một dự án du lịch cho riêng mình, Trực bộc bạch: “Dự án bắt nguồn từ mong muốn tự xây dựng một khu cắm trại lý tưởng có sông suối, núi rừng và cả những cánh đồng vây quanh. Đây sẽ là nơi tổ chức các trip (chuyến đi) sinh tồn, camping”.
Trực cho biết, hiện anh đang tập trung vào chương trình camping theo chủ đề và hướng dẫn trekking khám phá. "Lý do chọn vùng đất La Ngâu – Bình Thuận vì nơi đây thỏa các yêu cầu về khí hậu, cảnh quan, thảm thực vật và đặc biệt khá gần nhà mình vì mình muốn được ưu tiên xây dựng, làm giàu trên chính quê hương mình."
Nói về khó khăn trong quá trình xây dựng, Trực cho biết: “Én gặp khó khăn nhiều bởi thủ tục hành chính vì ở Bình Thuận chưa được khai thác và thực hiện du lịch hóa nông nghiệp để kết hợp phát triển bền vững như Đồng Nai hay các tỉnh thành khác. Vì vậy, dự án Én đang thúc đẩy các phương diện để cải cách chính sách cũng như thay đổi tư duy địa phương”.
Quá trình làm du lịch và làm các tour trải nghiệm cho trẻ cũng giúp Trực rất nhiều kinh nghiệm trong việc bắt tay vào xây dựng khu camping cho riêng mình. Chàng trai trẻ đem những kỹ năng cùng kinh nghiệm từng trải ở nhiều cung đường, những kiến thức đúc rút từ thực tế áp dụng vào Én và phục vụ khách hàng.
Là người có nhiều năm làm trong lĩnh vực du lịch, anh Đỗ Thanh Thủy, Giám đốc một công ty du lịch chia sẻ: "Camping là xu hướng du lịch đang thịnh hành hiện nay. Các khu camping ở các tỉnh quanh TPHCM ngày càng nhiều. Bởi vậy, những bạn trẻ có chuyên môn về du lịch chọn khởi nghiệp theo hướng này ngày càng tăng. Tuy nhiên, không phải mô hình nào mở ra cũng thành công. Điều cốt lõi giúp mô hình phát triển bền vững được hay không là khi xây dựng dự án phải dựa vào thế mạnh của địa hình và văn hóa địa phương khu camping. Ngoài ra, việc khu biệt vào riêng nhóm đối tượng cũng cần phải khảo sát, định hướng ngay từ đầu".
Nói về dự án "Én Restop", anh Đỗ Thanh Thủy cho rằng, dự án đang xây dựng đúng hướng khi phát huy được thế mạnh của địa phương vùng La Ngâu (Tánh Linh - Bình Thuận) với địa hình đẹp, có rừng, có suối và người dân bản địa với đa dạng nét văn hóa. "Vị trí của Én thuận lợi về giao thông, không quá cách xa TPHCM và Đồng Nai nên dễ hơn trong việc thu hút khách", anh Thủy cho biết thêm.
Với mong muốn Én sẽ thành công, Trực và các cộng sự đang nỗ lực cùng dự án, củng cố cơ sở, bắt tay vào xây dựng hoàn thiện với mong muốn sẽ có thêm nhiều Én khác cùng cất cánh.
0 nhận xét:
Post a Comment