Du khách trải nghiệm Hanami (thưởng ngoạn Sakura - hoa anh đào) tại Công viên Nishi, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản. (Video: JapanTravel)
Cũng như với bất kỳ điều gì trong cuộc sống, việc chuẩn bị tốt cho mọi khả năng có thể xảy ra được coi như "chiếc chìa khóa giúp chúng ta mở nhiều cánh cửa". Và để có chuyến du lịch suôn sẻ, mỹ mãn tới "đất nước mặt trời mọc", "xứ sở hoa anh đào" Nhật Bản, nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch uy tín Lonely Planet mới đây giới thiệu một số tư vấn hàng đầu của các chuyên gia, bao gồm:
Du khách nước ngoài tới Thủ đô Tokyo khá đông, sau khi Nhật Bản nới lỏng các quy định hạn chế biên giới. (Ảnh: Yomiuri Shimbun)
1/. Đặt trước nơi lưu trú và đến đúng lúc
Tuy khách du lịch luôn có thể tìm được phòng khách sạn mà không cần đặt trước, nhưng để chắc chắn không đẩy mình vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" thì đặt trước vẫn là cách nên làm. Với những nơi lưu trú đắt khách có thể đặt trước hàng tuần hoặc hàng tháng.
Điều này càng có ý nghĩa khi khách du lịch tới Nhật Bản vào những dịp cao điểm như tuần đầu tháng 1; mùa hoa anh đào (từ cuối tháng 3 đến tháng Tư); các dịp Tuần lễ Vàng 29/4 - 5/5 và tháng 8.
Khách du lịch cũng nên nhớ rằng các Inns (nhà trọ nhỏ, kiểu truyền thống Nhật Bản được gọi là Ryokan) thường có thời gian check-in (nhận phòng) cố định. Ngoài thời gian đó, nhân viên sẽ không có mặt và các phòng cũng có thể chưa được dọn.
Nhật Bản nổi tiếng là nơi có nhiều nghi thức xã giao truyền thống thú vị, rất hấp dẫn du khách. (Ảnh: neverendingvoyage)
Phòng kiểu Ryokan truyền thống có tầm nhìn hướng ra hồ Ashi, tại khách sạn Mushashiya ở thị trấn Hakone, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. (Ảnh: neverendingvoyage)
2/. Mang theo hành lý gọn nhẹ
Phòng khách sạn, nhà trọ truyền thống Ryokan ở Nhật Bản có xu hướng nhỏ, nhất là ở các thành phố, nên có rất ít chỗ cho những chiếc vali lớn (điều này cũng có thể gây khó khăn cho khách du lịch khi di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng thường rất đông đúc). Bởi thế ý tưởng đóng gói hành lý gọn nhẹ luôn được khuyến khích với du khách khi tới Nhật Bản.
Thêm một điểm khách du lịch cần lưu ý là tuy các điểm tham quan tôn giáo như đình chùa, đền thờ Thần đạo không có dress codes (quy định về trang phục); các nhà hàng, quán bar và câu lạc bộ cao cấp đôi khi cũng vậy. Nhưng cũng có thể hiểu như "luật bất thành văn" là nam giới không được mặc sleeveless shirts (may ô sát nách) hoặc đi dép xăng đan.
Khi đi ăn bên ngoài, khách du lịch có thể ngồi ăn ngay trên sàn. Nên sẽ không thuận tiện nếu khách du lịch mặc đồ quá ngắn hoặc bó sát.
Nữ du khách nước ngoài mặc kimono, thư giãn sau khi trải nghiệm Onsen (tắm suối khoáng nóng truyền thống Nhật Bản) tại thị trấn Kinosaki Onsen, tỉnh Hyogo, Nhật Bản. (Ảnh: neverendingvoyage)
3/. Mua thẻ Sim chứa nhiều dữ liệu tại sân bay
Khách du lịch được tư vấn hãy tin tưởng vào lượng dữ liệu đáng kể khi điều hướng ở Nhật Bản, vì vậy mua thẻ Sim chứa nhiều dữ liệu tại sân bay sẽ giúp khách du lịch hiểu được hệ thống địa chỉ đường phố Nhật Bản vốn có tiếng là khó điều hướng (ngay cả đối với không ít cư dân địa phương).
4/. Chọn giày dễ xỏ vào và tháo ra
Chọn đôi giày đi bộ thoải mái là điều tất nhiên. Nhưng khi du lịch Nhật Bản có thể cần thường xuyên tháo giày ra khi vào các điểm tham quan tôn giáo, một số nhà hàng và nhà trọ truyền thống Ryokan. Bởi thế sẽ thuận tiện hơn khi khách du lịch mang theo đôi giày dễ tháo ra và xỏ vào. Những ai không muốn sau khi cởi giày rồi xỏ chân vào đôi dép đi trong nhà, thì thường chọn cách mang tất chân.
Hải sản và rau củ được hấp trên suối nước nóng, tại một nhà hàng ở Kannawa Onsen, Beppu, tỉnh Oita, Nhật Bản. (Ảnh: Bloomberg)
Vừa đi vừa ăn là điều "tối kỵ" với hầu hết người Nhật Bản. Ngay cả trẻ em cũng thường được nhắc nhở ngồi xuống trước khi ăn kem… (Ảnh: Japan Living Guide)
5/. Học cách sử dụng bồn cầu bidet
High-tech, electronic bidet toilets (bồn cầu vệ sinh điện tử công nghệ cao) của Nhật Bản sẽ rửa và làm khô những "vùng kín" chỉ bằng một nút bấm. Ngoài ra khi sử dụng toilets (nhà vệ sinh) tại Nhật Bản, có những điều có thể khiến khách du lịch bối rối. Ví dụ như máy âm thanh kích hoạt bằng cảm biến trong toilets (nhà vệ sinh) nữ, nhằm mục đích che giấu những tiếng động "nhạy cảm".
Tuy nhiên khách du lịch không cần lo lắng về "rào cản ngôn ngữ", vì chữ tượng hình trên các nút bấm bồn cầu vệ sinh điện tử công nghệ cao của Nhật Bản rất dễ hiểu.
6/. Không ăn uống nơi công cộng, đặc biệt là khi đi bộ
Dù Nhật Bản nổi tiếng với các món ngon đường phố, nhưng nói chung ăn uống nơi công cộng là "điều cấm kỵ" bởi bị coi là hình thức xấu, nhất là vừa đi bộ vừa ăn. Cũng có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ như khi đi trên Shinkansen (tàu siêu tốc) và các chuyến tàu tốc hành có chỗ đặt trước - nơi người ta thường ăn cơm hộp Bento.
Mùa Hè chứng kiến sự bùng nổ các quán ăn đường phố, nhất là các dịp lễ hội. Hầu hết mọi người sẽ tìm chỗ ngồi khi ăn, nhưng nếu phải đứng thì cố gắng đứng gần quầy hàng mà bạn vừa mua đồ ăn.
Một trong những điểm đến ngắm Sakura (hoa anh đào) về đêm rất tuyệt là công viên Tsuruma ở thành phố Nagoya, Nhật Bản. (Ảnh: kinpi3 / CC BY-NC-ND 2.0)
Thay cho tiền Tip, một số quán bar, nhà hàng sẽ tính phí dịch vụ theo tỷ lệ cố định. (Ảnh: neverendingvoyage)
7/. Đừng băn khoăn về tiền Tip
Nhật Bản không có phong tục tặng tiền Tip (tiền tặng thêm bày tỏ sự hài lòng với chất lượng dịch vụ), nên nếu khách du lịch đưa tiền Tip sẽ khiến nhân viên nhà hàng, khách sạn... bối rối hoặc khó xử. Thay cho tiền Tip, một số quán bar, nhà hàng sẽ tính phí dịch vụ theo tỷ lệ cố định (khoảng 300-500 Yen, tương đương 2,5-4,5 USD/khách). Những thứ khác, đặc biệt là nếu được ưa thích, sẽ được tự động tính thêm 10% phí dịch vụ vào hóa đơn.
Một số khả năng khác cũng có thể xảy ra mà khách du lịch cần lưu ý như: Mang theo tiền mặt (khi tới các vùng nông thôn), hãy đặt tiền mặt hoặc thẻ tín dụng vào khay nhỏ ở quầy thu ngân, thay vì đưa thẳng cho nhân viên thu ngân; học "nghệ thuật" xếp hàng; luôn đứng một bên khi đi thang cuốn (để những người đang vội vã có thể vượt qua); tránh di chuyển vào giờ cao điểm đi làm tại các thành phố lớn như Tokyo…
0 nhận xét:
Post a Comment