Ngôi chùa được du khách trong và ngoài nước biết đến bởi có kiến trúc "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam với nét nổi bật là ở những bức tường được ốp từ mảnh chén, dĩa sành sứ nhìn rất đẹp mắt.
Sóc Trăng: Độc đáo với vườn hướng dương khoe sắc vàng ở nơi kiến trúc "độc nhất vô nhị"
Thời gian gần đây, ngôi chùa thu hút du khách đổ về check-in nhờ vườn hoa hướng dương rực rỡ.
Đại đức Kim Hoàng Hưng, Trụ trì chùa Chén Kiểu, cho biết vườn hoa hướng dương có diện tích khoảng 2.000m2 được nhà chùa gieo hạt trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 khoảng một tháng.
Hoa bắt đầu nở cách đây khoảng 2 tuần. Mỗi ngày có cả ngàn du khách đến chiêm ngưỡng, chụp hình làm kỷ niệm.
Cùng nhóm bạn đến từ tỉnh Bạc Liêu đang mê mẩn ngắm nhìn vườn hoa hướng dương rực rỡ sắc vàng, chị Nguyễn Kim Ngân vui vẻ nói: "Chúng tôi nghe nhiều người giới thiệu về vườn hoa hướng dương của chùa Chén Kiểu rất đẹp nên hôm nay rủ nhau lên chiêm ngưỡng và chụp hình làm kỷ niệm.
Đến đây mới cảm nhận được vẻ đẹp của hàng ngàn bông hoa hướng dương đang khoe sắc vàng dưới cái nắng rực rỡ".
Anh Nguyễn Ngọc Danh ở huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: "Ở Châu Thành có đường hoa kèn hồng nhưng năm nay chưa nở rộ nên ít khách. Nghe nói ở chùa Chén Kiểu có vườn hoa hướng dương rất đẹp nên tôi xuống để chiêm ngưỡng. Nhìn vườn hoa rộng hàng ngàn mét vuông đang nở rộ mà thấy vui mắt, thư thái trong tâm hồn".
Chùa Chén Kiểu trước đây có tên theo tiếng Khmer là Wath Sro Loun (để dễ phát âm nên từ Sro Loun đã được đọc trại thành Sà Lôn). Sro Loun có nguồn gốc từ chữ Chro Luong, là tên của một con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa.
Năm 1815, chùa được dựng lên bằng cây lá. Đến năm 1969, chùa được xây dựng lại theo kiến trúc như ngày nay, gồm: Chánh điện, sala, tháp bảo, nơi để sách kinh,...
Trong quá trình xây dựng, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, dĩa từ bà con trong phum, sóc để ốp lên tường. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng. Cũng từ đó, chùa được người dân biết đến với tên gọi thứ hai là chùa Chén Kiểu.
Một nét hấp dẫn du khách khi đến tham quan chùa Chén Kiểu là nơi đây hiện còn lưu giữ một phần gia sản của gia đình Công tử Bạc Liêu, như: Bộ trường kỷ là bàn đếm tiền, bàn tiếp khách, giường ngủ mùa hè và ngủ mùa đông, chiếc tủ cẩn xà cừ...
Trong số các gia sản đó, nhiều người rất ấn tượng về 2 chiếc giường ngủ của Công tử Bạc Liêu, trong đó giường ngủ mùa hè mặt bằng đá cẩm thạch, còn giường ngủ mùa đông mặt làm bằng gỗ giáng hương.
Chất liệu 2 chiếc giường đều bằng gỗ sưa, xung quanh khảm xà cừ với hoa văn tinh xảo, được cho là có giá trị cả chục tỷ đồng.
0 nhận xét:
Post a Comment