Hành trình trải nghiệm chỉ với 10 triệu đồng: Theo đuổi đam mê chẳng giống ai
Là cựu học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), Trần Quỳnh Giang sở hữu những thành tích đúng chuẩn "con nhà người ta" với chứng chỉ IELTS 8.0; phim về đề tài tâm lý được phát tại Liên Hợp Quốc… thế nhưng, Quỳnh Giang vẫn quyết định tạm gác lại mọi thứ để lên đường chinh phục đam mê khám phá thế giới.
Chia sẻ cùng Dân Việt về lý do cho chuyến du lịch này, Quỳnh Giang cho biết: "Bản thân tôi có một số vấn đề tâm lý, cộng thêm thời gian đại dịch Covid-19 kéo dài trong ba năm học cấp ba khiến tôi cảm thấy khó hòa nhập. Tôi cũng muốn đi du học vì thấy môi trường giáo dục trong nước không phù hợp, nhưng gia đình lại không đủ khá giả để chi trả cho việc đó".
Tháng 9/2022 vừa qua, Quỳnh Giang nhận được lời mời đến thành phố New York (Mỹ) bởi UNICEF để dự các Hội nghị, đồng thời giới thiệu bộ phim về tâm lý mà bản thân đã sản xuất. Cơ hội này như chất "xúc tác" giúp cô bạn có thêm động lực ấp ủ các kế hoạch phát triển dự án cộng đồng của bản thân tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi trở về nước, cô nhận ra nhiều thứ còn hạn chế, các đề xuất của mình hầu như không được giải quyết. Đó cũng chính là ngọn nguồn lý do, cô quyết định lên đường khám phá thế giới.
Vượt lên trở ngại tâm lý và những nỗi đau lớn đã đi qua, Quỳnh Giang nhận thấy việc đi du lịch tuy không khiến cuộc sống thay đổi hoàn toàn nhưng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bản thân để chấp nhận, đối mặt với mọi thứ.
"Tôi không cố gắng đánh bại tổn thương bởi chúng là một phần trong tôi. Tôi chỉ có thể ôm ấp, nhìn nhận nỗi đau đó theo một khía cạnh khác", Quỳnh Giang chia sẻ.
Không nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, trong tài khoản chỉ vỏn vẹn chưa đến 10 triệu đồng, Quỳnh Giang phải cố gắng tự mình tiết kiệm tiền. Vừa đi học, Quỳnh Giang vừa dạy thêm, kết hợp làm các công việc tự do trên website dành cho freelancer để có chi phí trang trải cho chuyến đi của mình. Khó khăn lớn nhất của cô vẫn là việc tối ưu quản lý, kiểm soát chi tiêu khi không có nhiều tiền.
Tính đến thời điểm hiện tại, Quỳnh Giang đã đặt chân tới ba quốc gia, lần lượt là Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ theo hình thức trải nghiệm cuộc sống địa phương, chọn sống nhờ nhà dân để tiết kiệm chi phí. Sống theo chủ nghĩa tối giản, cô chủ yếu chi tiêu cho những nhu cầu vật chất thiết yếu. "Những thứ khác như quần áo, đồ ăn vặt… tôi đều không chi tiền", Quỳnh Giang chia sẻ.
Rủi ro luôn rình rập suốt hành trình
Du lịch một mình ở tuổi 18 là một trải nghiệm thú vị, tuy nhiên trên hành trình ấy cũng có rất nhiều mối nguy hiểm luôn rình rập. Trong thời gian ở Malaysia, một lần trên xe buýt, Quỳnh Giang đã rất bối rối khi gặp phải tình huống người đàn ông ngồi kế bên bật những hình ảnh nhạy cảm trên điện thoại.
Hay như thời gian ở Ấn Độ, đã có lần, Quỳnh Giang phải đối mặt với nạn quấy rối tình dục. Mười một giờ đêm, khi đang ngồi trong xe lam cùng người dân địa phương, cô nhận thấy có một bàn tay của ai đó động chạm vào cơ thể của mình. Mặc dù cảm thấy rất sợ hãi nhưng Quỳnh Giang đã cố gắng trấn an bản thân để có thể dễ dàng xử lý tình huống. Bản thân Giang hiểu rõ, vì mình đang chỉ có một mình nơi đất khách quê người, nếu làm căng lên thì sẽ thiệt thân. Vậy nên, cô phản đối nhẹ nhàng bằng cách gạt bàn tay của người kia ra khỏi cơ thể mình.
Sau những lần đó, cô rút ra được bài học để tự bảo vệ bản thân rằng không nên ra đường một mình vào ban đêm, nên ăn mặc kín đáo, không quá nổi bật để không bị chú ý. Bản thân Giang cảm thấy rất "biết ơn" bộ tóc tém cá tính của mình vì có lẽ nó đã giúp cô bạn tránh được nhiều phát sinh không mong muốn.
Trải nghiệm đổi lấy những bài học thú vị
Du lịch ba đất nước đối với nhiều người chỉ là con số lẻ, nhưng đối với Quỳnh Giang, đó là cả một hành trình dài đầy thú vị. Khác với xu hướng du lịch thường thấy, sau khi đặt chân đến một vùng đất, Quỳnh Giang sẽ ở lại đó từ vài tuần cho đến vài tháng vì muốn hiểu rõ về con người, lịch sử và văn hóa ở mỗi địa phương. Do nền văn hóa của các nước so với Việt Nam rất khác biệt nên ngay từ ban đầu, cô luôn chịu khó tìm hiểu trước thông tin thông qua việc đọc sách, và rồi học hỏi, cố gắng thích nghi từng chút một về sau.
Xuyên suốt hành trình rong ruổi ấy, điều quý giá nhất Quỳnh Giang học được là cách giao tiếp giữa người với người. Quỳnh Giang chia sẻ: "Cảnh vật ở những nơi tôi đã đi qua đều rất đẹp, nhưng chỉ có thể cảm nhận được vẻ đẹp có chiều sâu nhất, thông qua tương tác giữa người với người".
Từ việc trò chuyện làm quen cho tới xin ở nhờ cùng gia đình người bản xứ, cô đã phải nỗ lực rất nhiều để bày tỏ được sự chân thành sâu sắc.
Trước khi bày tỏ được sự chân thành đó, Quỳnh Giang cho rằng bất đồng ngôn ngữ là một vấn đề rất phức tạp. Cô bộc bạch: "Mặc dù trình độ tiếng Anh của tôi rất tốt, nhưng rào cản về cách phát âm làm sao để cho người dân bản xứ hiểu luôn là bài toán lớn đối với tôi". Để có thể nói chuyện, tương tác với người dân địa phương, cô phải cố gắng nắn giọng sao cho chuẩn nhất, dễ hiểu nhất khi giao tiếp.
Sau một thời gian sống chung cùng một gia đình tại Ấn Độ, Quỳnh Giang đúc kết: "Khi không thể giao tiếp bằng tiếng Anh, chuyện tôi được 8.0 IELTS hay đi dạy thêm tiếng Anh từ những năm cấp ba đều là vô nghĩa. Tôi nghĩ vấn đề không phải là phát âm chuẩn mà là phải phát âm sao cho người ta hiểu".
Thay vì chỉ tập trung vào trình độ tiếng Anh tốt, Quỳnh Giang cũng gợi ý nên rèn luyện ngôn ngữ cơ thể thêm linh hoạt. Theo Quỳnh Giang, khi người ta có thể hiểu mình thì người ta mới cảm nhận được sự chân thành của mình.
Để ghi lại những trải nghiệm văn hóa, lối sống ở các quốc gia, Quỳnh Giang đã và đang phát triển một trang Instagram mang tên "Chấm lửng". Đây là nơi cô chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ, những trải nghiệm thú vị xuyên suốt chuyến hành trình. Hiện tại, trang Instagram của cô nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, đạt mốc hơn 12.000 lượt theo dõi.
Trong tương lai, Quỳnh Giang dự định sẽ ghé thăm Nepal, sau đó quay trở lại Ấn Độ để tiếp tục khám phá vùng đất rộng lớn này. Khi đam mê khám phá đã được lấp đầy, cô dự định sẽ trở về nước, theo học chuyên ngành Tâm lý học với nhiều kỳ vọng lớn, kế hoạch phát triển của bản thân.
0 nhận xét:
Post a Comment