Từ TP Pleiku, Gia Lai ngược về xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông khoảng chừng 25km sẽ đến được đồi chè trăm tuổi. Vào mùa này, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng đồi chè được nhuộm vàng bởi cây hoa muồng.
Được biết, cây muồng vàng còn có nhiều tên gọi khác là muồng hoàng hậu, hoàng yến… Loại cây này được trồng nhiều ở khu vực chè Bầu Cạn (huyện Chư Prông) và đồi chè Biển Hồ (TP Pleiku). Cùng với hoa dã quỳ, muồng vàng cũng được mệnh danh là hoa của vùng đất Tây Nguyên.
Theo người dân bản địa, những cây muồng vàng có mặt trên vùng đất này cả trăm năm tuổi. Thời xưa, người Pháp vào xây dựng xây dựng các đồn điền chè và trồng thêm giống muồng đen, muồng vàng để chắn gió. Những cây chè trồng xanh tốt lớn lên từng ngày và nương tựa vào gốc muồng mỗi mùa gió bão.
Cứ tháng 10 hằng năm, những bông hoa muồng vàng bắt đầu nở rộ khắp các vùng trồng chè ở Gia Lai. Hoa muồng có năm cánh, màu vàng tươi, mỗi khi nở sẽ tạo thành chùm lớn.
Lúc này, những chiếc lá xanh cũng phải nép mình để cho hoa muồng vàng tôn lên sắc vàng óng ả. Những đồi chè xanh được chấm phá thêm màu vàng của hoa muồng tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, khiến du khách mê mẩn ngắm nhìn, không nỡ rời đi.
Những năm vừa qua, UBND huyện Chư Prông thường xuyên tổ chức lễ hội hoa muồng vàng với ý nghĩa tôn vinh mảnh đất, con người và giá trị văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh; quảng bá những nét văn hóa đặc trưng cùng các cảnh đẹp nổi bật của địa phương.
Qua đó, tạo cơ hội để tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để người dân từng bước tiếp cận với các hoạt động du lịch, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng.
Chị Kim Hiếu (TP Plieku, Gia Lai) cho biết, hơn 10 năm trước, chị đã chọn đồi chè Bầu Cạn để chụp ảnh cưới. Lúc đó, những đồi chè được phủ một màu vàng rất là đẹp. Tuy nhiên, chị mới quay trở lại để chụp ảnh thì hoa muồng vàng đã bị phá nhiều. Chỉ còn sót lại các cây ở dọc đường.
“Để có được đồi chè và những gốc hoa muồng vàng như vậy phải mất cả trăm năm. Mỗi năm lại thấy ít hoa nên tôi thấy rất tiếc. Tôi mong chính quyền nghiên cứu để bảo tồn, giữ lại các cây muồng cổ thụ nhằm phát triển du lịch và tạo địa điểm cho du khách tham quan.”, chị Hiếu bộc bạch.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/ngam-mua-hoa-muong-nhuom-vang-doi-che-o-gia-lai-9685.html
0 nhận xét:
Post a Comment