Nhiều thương hiệu còn tính đến đưa chuỗi phở Việt ra thế giới, kéo theo cơ hội cho các sản phẩm chế biến từ gạo, gia vị...
"Nhờ lễ hội, bước nửa chân vào thị trường Nhật"
Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyên, chủ nhân thương hiệu Phở Hai Thiền, nói như reo sau hai ngày giới thiệu món phở tại Vietnam Phở Festival. Những thực khách Nhật ghé đến gian hàng đều ấn tượng với cách làm bánh phở tại chỗ của thương hiệu này và đặc biệt là hương phở thơm nức.
"Kết quả từ lễ hội là nằm ngoài mong đợi. Nhiều khách rất ngạc nhiên và khen nức nở hương phở, "vị phở chuẩn" dù nấu tại Nhật Bản. Bí quyết nằm trong những túi hương phở của Hai Thiền. Đặc trưng khó lẫn với bất kỳ món xúp nào, đó là mùi hương của phở. Các gói nguyên liệu này sẽ giúp việc nấu phở dễ dàng hơn, đặc biệt các quán ăn muốn kinh doanh phở ở nước ngoài", chị Nguyên cho biết.
Sau khoảng thời gian phục vụ ở lễ hội, chị Nguyên đã dành thời gian đến các quán phở ở địa phương tiếp xúc với khách hàng và đã nhận được những bước tiến sâu hơn trong hợp tác. "Có thể nói nhờ lễ hội phở lần này, chúng tôi bước được nửa chân vào thị trường Nhật Bản", chị Thanh Nguyên chia sẻ.
Theo nhiều người kinh doanh, phở ở Nhật Bản đã bị biến tấu ít nhiều để phù hợp với khẩu vị người Nhật, nhưng khi được thưởng thức hương vị phở "chính gốc" đến từ Việt Nam, nhiều người Nhật Bản mới cho rằng vị phở nguyên bản ngon hơn hẳn, vị đậm đà.
Tương tự, dù phải phục vụ đến 500 suất phở trong ngày nhưng anh Nguyễn Tiến Hải, chủ thương hiệu Phở'S, cho biết qua Vietnam Phở Festival đã thấy rõ hơn về tiềm năng thị trường Nhật Bản với món phở. Hương vị phở Việt được đón nhận nồng hậu và tấm tắc khen ngon là bàn đạp để doanh nghiệp tự tin ra thế giới, đúng với mục tiêu của thương hiệu phở khi đến với Vietnam Phở Festival lần này.
"Chúng tôi muốn phát triển thương hiệu phở của mình qua hình thức nhượng quyền. Chúng tôi đã đầu tư công nghệ sâu chế biến nước phở thành dạng sấy thăng hoa để cô đặc những tinh túy của món phở cũng như dinh dưỡng vẫn được bảo vệ nguyên vẹn, giữ được hương vị Việt Nam, dù đi đến bất kỳ quốc gia nào", anh Hải cho biết.
Lễ hội phở mở đường cho du lịch, giao thương
Bà Lê Thị Giàu, chủ tịch hội đồng quản trị Bình Tây Food, cũng tất bật không rời gian hàng những ngày qua với các hoạt động tương tác người tiêu dùng giúp doanh nghiệp hiểu hơn về thị hiếu, cách ăn của người Nhật.
Trong ngày 8-10, Phở Ta - Bình Tây Food đã tổ chức trình diễn nấu phở tôm hùm thu hút sự tò mò của thực khách. Đầu bếp Khải Vũ cho biết với cốt nước là nước hầm xương bò và nước luộc tôm hùm, phở tôm hùm thể hiện sự sáng tạo, làm mới món phở truyền thống, ngon lạ với vị ngọt từ xương và thanh của tôm hùm.
"Khách hàng trẻ rất ưa thích tính hiện đại, mới mẻ và phở tôm hùm là một thử nghiệm mới lạ như thế, giá trị kinh tế đem lại cũng cao hơn. Phở tôm hùm rất phổ biến và được ưa thích ở Mỹ. Một tô phở tôm hùm có thể được bán với giá hơn 1,5 triệu đồng và quán có thể bán đến 200 tô mỗi ngày như vậy", anh Khải Vũ cho biết.
Đầu bếp Khải Vũ của Phở Ta - Bình Tây Food trình diễn phở tôm hùm - Video: THẾ KIỆT - MAI HUYỀN
Trong khi đó, các gian hàng phở truyền thống và của các khách sạn 5 sao đến từ Việt Nam khách hàng liên tục trong tình trạng xếp hàng dài. Những cái tên như Majestic Sài Gòn, Sân golf Thủ Đức hay Grand Sài Gòn... cũng bắt đầu ghi dấu trong lòng người dân Nhật Bản tham gia lễ hội không chỉ gắn với món ăn ngon mà còn là điểm đến du lịch khó bỏ qua khi đến Việt Nam.
Ông Phạm Huy Bình, chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho biết sự kiện góp phần đẩy mạnh quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới, qua đó nhằm tạo điểm nhấn thu hút thêm nhiều du khách Nhật đến Việt Nam.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết phản hồi từ các doanh nghiệp tham gia kết nối kinh doanh trong khuôn khổ lễ hội phở là rất tích cực. Theo đó, nhiều doanh nghiệp như bột pha sẵn Mikko Hương Xưa biết được khách rất quan tâm và thực tế nhiều sản phẩm đã vào Nhật Bản qua con đường "xách tay" của những người Việt xa xứ. Các doanh nghiệp sẽ còn phải trải qua nhiều bước nữa mới có thể đi đến kết quả cuối cùng, nhưng những tín hiệu về nhu cầu thị trường là rất rõ.
Phó đại sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Đức Minh cho biết cơ hội cho các sản phẩm chế biến từ gạo cũng như nông sản Việt Nam là rất lớn khi các doanh nghiệp Nhật Bản đang đẩy mạnh mảng thương mại, bán lẻ với Việt Nam. "Để tận dụng được cơ hội đang mở ra, các doanh nghiệp Việt phải chú ý đến chất lượng, đề cao chữ tín và lưu ý kỹ các quy định nhập khẩu của Nhật Bản".
Bà Nguyễn Thanh Xuân (chủ tịch Hội Nông dân TP, thành viên ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP.HCM):
Tạo thói quen sử dụng hàng Việt
Đoàn công tác chúng tôi sang Nhật Bản vào đúng dịp Lễ hội phở Việt Nam - Vietnam Phở Festival 2023. Đoàn rất bất ngờ khi lễ hội phở được tổ chức ở Nhật Bản, cảm thấy vui mừng trước sự nhộn nhịp, không khí đông vui ở lễ hội.
Thông qua lễ hội, ban chỉ đạo mong muốn có thêm sản phẩm Việt có cơ hội mở rộng thị trường sang Nhật Bản cũng như các nước. Lễ hội phở còn tạo thói quen sử dụng hàng Việt của người Nhật, lan tỏa giá trị ẩm thực truyền thống. Từ lễ hội này sẽ có thêm nhiều chương trình kết nối giao thương, thúc đẩy quảng bá sản phẩm Việt đến Nhật Bản cũng như các nước khu vực Đông Nam Á.
Kỳ vọng Vietnam Phở Festival thành sự kiện định kỳ tại Nhật Bản
Tối 8-10, lễ bế mạc Vietnam Phở Festival đã diễn ra sau hàng loạt hoạt động sôi nổi cũng như hàng chục ngàn phần phở đã được phục vụ từ những chủ quán phở Việt danh tiếng.
Sau hai ngày diễn ra, lễ hội thu hút hơn 85.000 lượt khách với nhiều ấn tượng đẹp từ người dân Nhật Bản. Đây là con số ấn tượng cho một lễ hội ẩm thực từng diễn ra tại công viên Yoyogi, Tokyo, Nhật Bản.
Lần đầu tiên được tổ chức ở nước ngoài, Vietnam Phở Festival không chỉ có mục đích quảng bá tinh hoa ẩm thực và du lịch Việt Nam, mà còn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Nhiều chính khách và người tham gia Vietnam Phở Festival đều cho hay mong muốn sự kiện này sẽ được tổ chức hằng năm ở Nhật.
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trưởng ban tổ chức lễ hội - cho biết rất hạnh phúc và mãn nguyện khi chứng kiến hơn 85.000 lượt thực khách Nhật Bản cũng như cộng đồng người Việt đã tới cùng hưởng ứng lễ hội phở lần đầu tiên đến Nhật Bản. Ông hy vọng sẽ có thêm các Vietnam Phở Festival nữa ở Nhật trong thời gian tới. Kết quả này tiếp tục khẳng định vai trò "đại sứ ẩm thực" của món phở Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ông Aoyagi Yoichiro, hạ nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản, cho biết người Việt có câu "Con đường ngắn nhất đến trái tim là đi qua dạ dày", Lễ hội phở Việt Nam - Vietnam Phở Festival đã góp phần gắn kết và tỏa hương với tình yêu ẩm thực giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Những yếu tố này mở ra con đường hợp tác trong kinh tế, giao thương, thúc đẩy phát triển thương mại.
Vietnam Phở Festival 2023 do báo Tuổi Trẻ, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP.HCM đồng tổ chức, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và sự ủng hộ của những người bạn Nhật Bản như ngài Aoyagi Yoichiro - hạ nghị sĩ, trưởng ban tổ chức Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản, báo Mainichi (Nhật Bản) và các hội đoàn người Việt Nam tại Nhật Bản.
Vietnam Phở Festival 2023 có sự tham gia của các đầu bếp Hoa hồi vàng các năm như: Nguyễn Tiến Hải, Nguyễn Tự Tin, Phạm Quang Duy... cùng đầu bếp các quán phở danh tiếng: Phở Dậu, Phở Hai Thiền, Phở Hotel Majestic Saigon, Phở'S, Phở Sen SASCO, Phở Thìn Bờ Hồ, Phở nhà hàng sân golf Thủ Đức, Phở Ta - Bình Tây Food...
Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), Suntory Beverage & Food, Simply Food (Công ty thực phẩm Bình Tây), SASCO, Dai-ichi Life Việt Nam, Phở'S và một số doanh nghiệp khác.
Đương kim Hoa hậu Liên lục địa - Miss Intercontinental Lê Nguyễn Bảo Ngọc là đại sứ chính thức, đồng hành và hưởng ứng các hoạt động của chương trình.
0 nhận xét:
Post a Comment