Ngất ngây với trảng cỏ xanh non tại thảo nguyên Đồng Lâm
Nằm cách Hà Nội 120km với thời gian di chuyển chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ có một thung lũng xanh rộng gần 100ha được gọi là thảo nguyên Đồng Lâm thuộc xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, bao quanh bởi những ngọn núi đá vôi cùng đó là những con suối khá lớn, sâu tới hơn 20m chạy ngoằn nghèo giữa những trảng cỏ.
Du khách tản bộ trên thảo nguyên Đồng Lâm, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Clip: H.H
Để đến được thảo nguyên này, du khách có thể di chuyển từ Hà Nội hay các vùng tỉnh khác bằng phương tiện xe ô tô hoặc xe máy bằng nhiều tuyến đường, tuy nhiên, mất một đoạn đường xấu và bụi khi du khách đi qua mỏ khai thác đá.
Đến thảo nguyên Đồng Lâm, du khách không thể đi xe ô tô vào tận nơi, bởi theo cơ quan quản lý nhằm để bảo vệ hệ sinh thái thực vật nơi đây. Vì thế khi tới điểm du lịch này, du khách sẽ phải gửi xe ngoài bãi để đi bộ hoặc thuê xe ôm chở vào. Phí đi xe ôm là 40.000 đồng/1 lượt/1 khách.
Ngồi sau tay lái của những xe ôm thổ địa, du khách sẽ đi qua con đường bê tông nhỏ ngoằn nghèo dưới chân núi chưa đến 1km sẽ hiện ra trước mắt là một thảo nguyên xanh mênh mang, trải dài hút tầm mắt. Con đường nhỏ vừa khít lốp xe máy như một sợi chỉ xuyên giữa những “mảnh” áo cỏ của thảo nguyên. Đâu đó lác đác một vài chú ngựa lúi húi gặm cỏ, một vài chiếc bè lứa mắc cạn bởi chủ không kịp chèo về bến khi nước rút. Dưới tia nắng hanh vàng của mùa Đông, thảo nguyên như bừng sáng hơn. Một khung cảnh đẹp như tranh vẽ và bình yên.
Điều thú vị là những chiếc xe ôm nối đuôi nhau chở khách đi đúng con đường sợi chỉ nhỏ đó mà không lấn sang những tràng cỏ xanh mướt. Tuy nhiên, vì có những con suối nên thảo nguyên Đồng Lâm không bằng phẳng như nhiều thảo nguyên khác, sẽ có những đoạn lên dốc, xuống dốc, lượn vòng, điều này khiến du khách có thêm những trải nghiệm khá thú vị.
Những người làm nghề xe ôm là người Dao, người Kinh phấn khởi chở du khách vào điểm chính của thảo nguyên Đồng Lâm, nơi có những dịch vụ như bán nước uống, đồ ăn nhẹ và đặc biệt là quần áo cho thuê với đủ loại từ váy maxi tới quần áo kiều người Mông Cổ, quần áo đồng bào dân tộc người Dao, người Kinh…
Chia sẻ về công việc chở du khách, người đàn ông người Dao cho hay, thảo nguyên Đồng Lâm vài năm trở lại đây được du khách biết đến nhiều hơn. Năm 2022, lượng du khách đến đông rất đông, tuy nhiên năm nay vì kinh tế khó khăn nên lượng khách vắng hơn năm ngoái.
“Năm nay, chỉ cuối tuần vào thứ 7, chủ nhật mới có lác đác du khách đến đây. Mỗi ngày cuối tuần trung bình tôi thu được khoảng 200.000 đồng. Còn ngày thường không có khách thì không có đồng nào”, người đàn ông người Dao cho hay.
Theo người dân xã Hữu Liên, thảo Nguyên Đồng Lâm từng là bãi cỏ để người dân chăn thả gia súc, ngựa, trâu, bò vào mùa cạn. Thế nhưng sau này nhiều bạn trẻ đến đây check in, cắm trại thì nơi đây trở thành điểm du lịch. Người dân tự mở các dịch vụ du lịch phục vụ du khách.
Mỗi năm thảo nguyên này có hai mùa rõ rệt đó là mùa nước là khoảng thời gian từ tháng 4 âm lịch đến tháng 7 âm lịch. Còn mùa khô, là mùa các mầm cỏ đầm chồi xanh mướt vào khoảng từ cuối tháng 4 âm lịch đến tháng 8 âm lịch hàng năm.
Với mùa nước, thảo nguyên trở thành hồ rộng lớn, mênh mông là nước. Nước ngập lên đến lưng cây, nước soi bóng cây rừng và bóng núi. Lúc này nơi đây, cảnh quan lại trở nên sơn thủy, hữu tình và du khách có thể chèo thuyền ra giữa hồ check in hoặc thưởng thức bữa ăn giữa thiên nhiên.
Còn mùa này, vào tiết trời cuối thu, sang đông, thảo nguyên lại đâm chồi, nảy lộc những mầm cỏ xanh non. Cả một vùng thung lũng một màu xanh bất tận.
Nhiều du khách khi đến đây đã công phu thuê đồ mặc để chụp ảnh, hoặc có một vài gia đình cắm trại ngay tại chỗ, ăn uống chơi cầu lông. Bên cạnh đó nhiều hộ dân còn dắt ngựa đến để cho du khách thuê cưỡi và chụp ảnh.
Có khoảng hơn 20 con ngựa với ngựa bạch thuần chủng Việt Nam, ngựa đen, ngựa bạch từ Trung Quốc được nhiều du khách thích thú thuê cưỡi và chụp ảnh với giá thuê cả cưỡi ngựa và chụp ảnh là 30.000 đồng/1 khách.
Ông Hoàng Trọng Thuần, thôn Tân Lai, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng chia sẻ với Dân Việt: “Nhà tôi, hai vợ chồng cứ đến cuối tuần, thứ 7, chủ nhật là dắt hai con ngựa bạch ra đây cho khách thuê cưỡi và chụp ảnh. Năm ngoái, du khách đến đây đông hơn, nên lượng khách thuê cũng nhiều hơn, nhưng năm nay khách có vẻ thưa thớt, tiền thu về cũng rất ít. Hai ngày cuối tuần có ngày thu được từ 200.000 đồng, có ngày thu được 500.000 đồng”.
Theo ông Hoàng Trọng Thuần, ngựa bạch này được ông mua từ huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Mỗi chú ngựa bạch này ông mua về với giá 90 triệu đồng. Và khi mua về, ông mất 6 tháng huấn luyện ngựa sau đó mới dám đưa ngựa ra thảo nguyên cho khách thuê cưỡi.
“Ngựa bạch thuần chủng Việt Nam khôn lắm, nếu đánh nó, nó sẽ không cho mình bắt để chòng dây vào cổ nữa. Nhiều lúc nói nó chưa nghe theo ý mình, tôi chỉ dám mắng và dọa tý thôi, còn không dám đánh. Chăm ngựa thì cũng không có gì khó, chỉ vất vả nhất là tắm cho nó. Ngày nào cũng phải tắm vì màu lông của nó là màu trắng, không muốn để bẩn lem nhem. Thức ăn của ngựa cũng không cầu kỳ, nó ăn cỏ, ngô và mày gạo xay, trộn lẫn quả chuối chín”, ông Hoàng Trọng Thuần cho hay.
Hiện tại, nhà ông Thuần có tới 9 con ngựa bạch, trong đó 7 con ngựa đã trưởng thành và 2 con ngựa con.
Là du khách đến từ Hà Nội, anh Nguyễn Tiến cho biết: “Tháng 8 vừa rồi tôi đưa con lên huyện Đồng Lâm này hái na thế nhưng lúc đó thảo nguyên này cỏ chưa xanh tốt như bây giờ. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến thảo nguyên, thực sự tôi cũng bất ngờ vì nó quá đẹp. Đặc biệt cho trẻ con tới đây sẽ được hòa mình vào với thiên nhiên, được cưỡi ngựa, hoạt động thể thao, điều này sẽ tốt hơn là ngồi nhà chơi điện thoại hoặc xem ti vi”.
Còn chị Huyền Phương, sinh viên năm 3 Đại học Phương Đông thì cho biết, lần đầu tiên chị đến thảo nguyên Đồng Lâm và thấy cảnh ở đây quá đẹp. “Những ai mê check in, sống ảo thì nơi đây quả là một địa điểm lý tưởng để có những bức ảnh để đời. Những tràng cỏ xanh ngút ngàn, chạy dài tít chân trời chẳng khác gì những đồng cỏ ở trời Âu. Chưa kể không khí ở đây quá trong lành, mát mẻ. Nếu ai không đến đây check in thì quả là điều đáng tiếc”, chị Huyền Phương cho hay.
Homestay với view “triệu đô”: Mở cửa là bước ra ruộng lúa xanh mướt, ngắm núi và sương giăng
Được biết, huyện Đồng Lâm không chỉ có duy nhất thảo nguyên này mà còn có rất nhiều địa điểm khám phá và trải nghiệm khác nữa, cũng rất độc đáo và ấn tượng thác Khe Dầu, hang Xoong Pong… và đặc biệt là khu du lịch làng cộng đồng Hữu Lũng với những nhà sàn còn nguyên vẹn mái ngói âm dương, có những ngôi nhà sàn cổ chưa bị phá đi xây mới được bà con làm homestay đón du khách.
Chị Đặng Mai, chủ homestay Mai’ House cho biết, homestay của chị nằm cuối thôn, sát cánh đồng, mở cửa là thấy ruộng lúa xanh ngăn ngắt, thấy núi rừng trước mắt. Một không gian biệt lập với các nhà xung quanh, cách xa đường giao thông nên nhiều du khách rất thích.
“Có rất nhiều du khách tìm đến homestay của tôi thông qua bạn bè, airbnb.com.vn, google map, Boocking.com và đặc biệt là qua lời giới thiệu của những người đã đến ở. Dù tôi không phải người ở xã Hữu Liên nhưng khi làm homestay, tiêu chí đầu tiên của tôi là homestay phải toát lên nét văn hóa bản địa. Cũng vì thế mà tất cả nguyên vật liệu hay cách bài trí của ngôi nhà tôi đều làm từ dụng cụ sinh hoạt, vải dệt của người Dao.
Với khách nước ngoài khi đến đây họ rất bất ngờ, bởi cách Hà Nội không xa, chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ lại có một nơi vẫn giữ nét văn hóa bản sắc của đồng bào, của người dân mà không bị can thiệp bởi các nhà cao tầng, các công trình bê tông phá vỡ cảnh quan, thiên nhiên”, chị Đặng Mai chia sẻ.
Theo chị Đặng Mai, để tạo ra nét riêng, homestay của chị dùng bếp củi. Bởi bếp củi vừa mang tính kinh tế vừa ấm cúng và gần gũi gia đình. Nếu như với khách Việt khi lên đây, họ được ngửi mùi khói cảm thấy như được trở về tuổi thơ, được nhớ lại những kỷ niệm trước kia của mình. Các em nhỏ cũng được biết đến một thời của ông bà, cha mẹ mình ngày xưa sinh hoạt như thế nào. Còn với khách nước ngoài thì lại thấy được nét văn hóa của người Việt Nam, được biết đến người Việt Nam trước kia nấu ăn ra sao.
Đặc biệt với bếp củi, các thức ăn như nướng gà, lợn, nem chua sẽ rất ngon, thức ăn sẽ khác hẳn với cách nướng ngày nay. Hương vị không lẫn vào đâu được. Hương vị món ăn không thể thay thế bằng các gia vị khác.
Du khách được nghỉ ngơi, thư giãn đúng nghĩa mà không bị ảnh hưởng bởi những tiếng ồn xung quanh. Buổi tối chỉ nghe tiếng chão chuộc, ễng ương kêu, sáng thì là tiếng chim hót.
“Khi khách đặt phòng tôi đã nói rất rõ, homestay của tôi từ chối với loại hình giải trí loa kéo, hát hò gây ảnh hưởng tới người xung quanh. Ăn uống, sẽ dừng ở 10h tối. Và rất nhiều khách đã chọn homestay của tôi là vì thế”, chị Đặng Mai nói.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/cach-ha-noi-2-tieng-di-chuyen-co-mot-thao-nguyen-rong-lon-du-khach-den-la-me-chang-muon-ve-9927.html
0 nhận xét:
Post a Comment