Khách Việt tự lái ô tô đi xuyên nội địa Trung Quốc
Anh Trần Thuấn (35 tuổi, quê ở Đông Anh, Hà Nội) thường nói vui rằng “bản thân là một trong những khách du lịch siêu may mắn”.
Với lợi thế biết nói tiếng Trung, lại có bằng lái xe quốc tế, anh Thuấn thuê xe tại các điểm đến rồi cùng vợ thoải mái vi vu nhiều tỉnh thành trên khắp “quốc gia tỷ dân”, thay vì chỉ phụ thuộc vào công ty lữ hành với những chuyến trải nghiệm ngắn ngủi “chưa đủ đã”.
Lần đầu tới Trung Quốc vào năm 2006, khi đó anh Thuấn mới chỉ đi loanh quanh ở khu vực biên giới cửa khẩu Tân Thanh, tới Bằng Tường ở Quảng Tây chứ chưa có cơ hội vào sâu trong nội địa. Sau khi kết thúc 2 năm học đại học tại Hà Nội, anh có cơ duyên tiếp tục học 2 năm ở trường Sư phạm Quảng Tây thuộc thành phố Quế Lâm và bắt đầu dành nhiều thời gian để khám phá quốc gia này nhiều hơn.
“Từ nhỏ tôi đã mê những bộ phim của Trung Quốc. Lúc nào cũng ước được đi một lần cho biết, nhưng hoàn cảnh gia đình khi ấy làm gì có tiền. Sau này, khi đã vững về kinh tế hơn, mình cũng chiều sở thích cá nhân một chút”, anh tâm sự.
Để có trải nghiệm sâu hơn ở nhiều tỉnh thành, ban đầu anh Thuấn tìm hiểu, nếu khách quốc tế muốn tự lái xe trên các cung đường tại Trung Quốc phải có bằng lái quốc tế IAA. Đi qua công ty dịch vụ sẽ mất hơn 2 triệu đồng cho thời hạn 10 năm sử dụng, được chấp nhận tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thủ tục khá đơn giản và chỉ cần đợi 7-10 ngày là có.
Sau khi có bằng, vợ chồng anh Thuấn dùng app chuyên dụng về du lịch của Trung Quốc. Nhờ lợi thế biết ngoại ngữ nên mọi chuyện diễn ra khá dễ dàng.
“Để nói về cơ sở hạ tầng đường sá tại Trung Quốc có lẽ đứng đầu thế giới cũng không sai chút nào. Các phương tiện như tàu cao tốc gần như phổ cập tới nhiều điểm du lịch và thành phố lớn. Những tuyến đi về vùng sâu vùng xa đang không ngừng được triển khai.
Tôi thực sự choáng ngợp khi lái xe trên đường nhựa ở các thành phố cũng như tuyến cao tốc mà không gặp ổ gà hay hố lầy quá lớn. Nếu có, ngay lập tức đội sửa đường lưu động sẽ xuất hiện để khắc phục kịp thời. Từng đi cả châu Âu và Mỹ, nhưng cá nhân tôi cho rằng, Trung Quốc đang vượt lên tất cả để trở thành nước có hệ thống giao thông phát triển nhất thế giới”, vị khách Việt nhận xét.
Nhờ tự lái, anh Thuấn nhận thấy hai vợ chồng được bắt gặp nhiều khoảnh khắc ấn tượng mà thường khách du lịch đi theo tour ngắn ngày và đông người khó lòng được chiêm ngưỡng.
“Trong những tỉnh thành đã đi qua, tôi ấn tượng nhất với tỉnh Tứ Xuyên có thủ phủ là thành phố Thành Đô. Tứ Xuyên được thiên nhiên ưu ái về cảnh sắc quá nhiều khi hội tụ toàn bộ những nét đẹp hùng vĩ nhất của thế giới, từ vách đá sâu thăm thẳm, núi tuyết, sông hồ, non nước cho tới cao nguyên, thảo nguyên”, anh nói.
Đặc biệt, nếu du khách được tự mình trải nghiệm cung đường Cửu Trại Câu vào mùa thu vừa rồi, có lẽ với những người khó tính nhất cũng không thể kìm lòng. Hai bên lối đi, những hàng cây chuyển sang màu ngũ sắc, ẩn hiện trên dãy núi tuyết trắng xóa phía sau.
Cảnh tượng vừa thơ vừa thực như “chốn bồng lai tiên cảnh”. Vừa lái xe, anh Thuấn vừa phải đi chậm vì cảnh đẹp liên tục ùa vào tầm mắt. Anh không dám dừng đỗ xe giữa đường để quay chụp, phải chọn đúng điểm đến mới xuống tranh thủ ghi hình.
“Tôi để ý người dân ở đây tuân thủ luật giao thông rất tốt. Cho dù cảnh đẹp hoàn mỹ tới đâu cũng rất ít người dừng lại vì sợ cản trở giao thông, mặc dù trên cả tuyến đường không hề xuất hiện cảnh sát.
Ngược lại camera giám sát trên đường lại nhiều vô kể. Tôi có tải một loại phần mềm trên xe để tự động thông báo các biển cấm, biển hạn chế tốc độ bao nhiêu, thậm chí báo chuẩn cả số giây dừng đèn đỏ. Chính bởi vậy, tự lái xe ở đây rất sướng, không gặp phải trở ngại gì”, vị khách Việt cho biết.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của anh Thuấn, nếu có cơ hội, du khách nên trải nghiệm thêm cung đường từ thị trấn Tân Đô Kiều và thành phố Khang Định. Tới đây, du khách phải băng qua tuyến đường mang tên Quốc lộ 318.
Nơi này nằm ở độ cao trên 3.000m so với mực nước biển nên xung quanh tuyết đóng băng rất nhiều. Giới trẻ Trung Quốc vẫn gọi đây là “cung đường đẹp nhất thế giới” và “phải trải nghiệm một lần trong đời”.
Trung tâm thị trấn Tân Đô Kiều chính là điểm dừng chân để du khách bắt đầu hành trình phượt lên Tây Tạng. Từ đây tới Tây Tạng chỉ tầm hơn 2.000km nhưng vị khách Việt không đủ giấy tờ tùy thân cần thiết nên không thể vào sâu thêm. Anh cho biết, mình là một trong số rất ít người Việt được trải nghiệm điều này, nên cũng rất mãn nguyện.
Về chi phí thuê xe, vị khách Việt thử lái nhiều mẫu xe khác nhau với giá khoảng 300 tệ/ngày (hơn một triệu đồng) chưa bao gồm tiền xăng, phí bảo hiểm. Thậm chí cũng có dòng xe cũ hơn với giá chỉ mấy chục tệ (vài trăm nghìn đồng một ngày) để tùy khách chọn.
Nhờ tự lái xe, hai vợ chồng có thể đi đâu cũng được thậm chí vào sâu hơn để trải nghiệm cuộc sống văn hóa của người dân bản địa. Anh thường không lên lịch trình quá nhiều mà đi theo cảm hứng để thăm thú được nhiều hơn.
Trung Quốc không chấp nhận bằng lái xe quốc tế
Sau một thời gian, anh Thuấn mới phát hiện ra, luật pháp Trung Quốc không chấp nhận bằng lái quốc tế. Nếu du khách vẫn muốn tự lái, bắt buộc phải đổi sang bằng lái Trung Quốc. Trong trường hợp khách tham gia giao thông và bị cảnh sát phát hiện lỗi có bằng chưa đạt chuẩn sẽ nhận mức phạt hành chính từ 200 tệ đến 2.000 tệ (700.000 đồng-7 triệu đồng) và bị giam giữ 15 ngày.
“Có lần, tôi đứng tại khách sạn chờ đơn vị cho thuê mang xe tới. Mọi việc suôn sẻ tưởng chỉ cần lăn bánh nữa là xong, nhưng nhân viên hãng phát hiện tôi không có bằng lái của họ nên kiên quyết không cho thuê nữa.
Một số đơn vị cho thuê trên app đôi khi vẫn lách luật và bảo khách rằng chỉ cần bằng quốc tế là được. Nhưng điều này là một trong những chuyện may rủi khó lường. Nếu không may trên đường xảy ra rắc rối liên quan tới cảnh sát, khách thuê xe sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bởi vậy khi biết được thông tin, tôi không cổ súy cho hành vi này”, anh Thuấn nhớ lại.
Theo tìm hiểu của vị khách Việt, muốn thi bằng lái của Trung Quốc, khách quốc tế phải sở hữu loại visa có thời gian lưu trú ít nhất 90 ngày trở lên cùng một số giấy tờ tùy thân quan trọng. Ngoài ra, khách phải thi lý thuyết, nếu đỗ là nhận bằng luôn, không cần thi thực hành.
“Tổng chi phí thi lấy bằng lái xe tại đây trong thời hạn 10 năm khoảng trên dưới 3.000 tệ – hơn 10 triệu đồng. Tôi thấy mức giá này chấp nhận được và cũng muốn thi thử trong thời gian tới”, anh nói.
Không còn được ngồi sau vô lăng nhưng hành trình tham quan của hai vợ chồng vẫn chưa dừng lại. Ở các điểm đến, anh thuê tài xế lái xe để trải nghiệm các cung đường mới.
“Đặt chân tới Thâm Quyến, đặc khu kinh tế và đại đô thị giàu có thứ 3 ở Trung Quốc, chúng tôi không có gì ngoài sự kinh ngạc. Tại đây sở hữu đại lộ Thâm Nam là cung đường rộng nhất Trung Quốc với đoạn trung tâm có bề rộng khoảng 350m, tổng chiều dài 25,6km.
Theo truyền thông nước này, đây là một trong tuyến đường giàu có và sầm uất bậc nhất ở xứ sở tỷ dân. Các xe chạy với tốc độ 70-80km/h nhưng vì lưu lượng tham gia giao thông cao nên vẫn gặp tình trạng tắc đường”, anh mô tả.
Trong chuyến đi kéo dài khoảng 25 ngày vừa qua, anh Thuấn ước tính số tiền chi tiêu của 2 vợ chồng hết khoảng 150 triệu đồng. Các khoản cơ bản bao gồm chi phí tại khách sạn 40 triệu đồng; tiền ăn 40 triệu đồng; phí visa 2 người hết 6 triệu đồng; vé máy bay khứ hồi 20 triệu đồng/2 người; tiền thuê xe 12 ngày và tiền xăng, phí bảo hiểm hết 20 triệu đồng; phí đi lại tại một số điểm không tự lái xe khoảng 15 triệu đồng, vé tham quan và một số chi phí phát sinh thêm.
Đã đặt chân tới nhiều tỉnh thành từ Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Tứ Xuyên, Chiết Giang, vị khách Việt dự tính hành trình tiếp theo sẽ chinh phục các vùng đất Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông.
“Tùy theo khả năng kinh tế và niềm đam mê của mỗi người, khi đôi chân còn khỏe, tôi vẫn muốn đi”, anh nói.
Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/chi-150-trieu-dong-khach-ha-noi-tu-lai-xe-hang-nghin-km-di-xuyen-trung-quoc-10055.html
0 nhận xét:
Post a Comment