Cuối tháng 9, Lavina Sabnani (28 tuổi, quốc tịch Hong Kong, Trung Quốc) du lịch Việt Nam cùng người bạn đời. Trước đây, cặp đôi từng đến Đà Nẵng.
Lần này, họ chọn tham quan vịnh Hạ Long trước khi đến Hà Nội trải nghiệm phố cà phê đường tàu đoạn nối từ trạm chắn Trần Phú tới Điện Biên Phủ (quận Ba Đình).
“Thực sự choáng ngợp và thú vị”, Lavina nói, biết đến phố cà phê đường tàu Hà Nội từ một video trên nền tảng mạng xã hội.
Cô cho biết, trước khi đoàn tàu đến, chủ quán cà phê thu dọn nhiều bàn ghế, yêu cầu du khách di chuyển đến nơi an toàn. “Họ đến bàn chúng tôi dặn vị trí để chân và tay, khuyến cáo không quay đầu nhìn lại”, nữ du khách kể.
Tiếng còi tàu vang lên từ xa, trong khoảnh khắc đoàn tàu chạy vụt qua, sát ngay bàn của Lavina, cô thốt lên kinh ngạc: “Ôi trời, đây quả là trải nghiệm độc đáo”. Cô gái 28 tuổi tỏ ra bất ngờ về kích thước và tốc độ của đoàn tàu.
Yêu thích trải nghiệm mới lạ, Lavina gặp gỡ và trò chuyện với chủ quán cà phê cùng một số du khách khác.
“Tôi yêu Việt Nam. Chúng tôi dự định quay lại Việt Nam khám phá TPHCM và Đà Nẵng. Hai thành phố đều rất xinh đẹp”, nữ du khách nói.
Đoạn video trải nghiệm cà phê đường tàu của Lavina được nhiều chuyên trang du lịch thế giới đăng tải lại, thu hút hơn 500.000 lượt yêu thích và gần 30.000 bình luận tranh cãi.
“Đây là một trải nghiệm có thể khiến bạn lo lắng hoặc sợ hãi. Một con tàu khổng lồ chạy qua ngay sát bàn ăn của những du khách. Đây chắc chắn là địa điểm ăn uống vô cùng độc đáo”, chuyên trang Unilad bình luận.
Dưới bài đăng, nhiều người dùng nước ngoài bày tỏ sự phấn khích, liên tục hỏi xin địa điểm của quán cà phê. “Thật sự hồi hộp khi xem hết video. Tôi mong muốn trải nghiệm cảm giác “độc nhất vô nhị” này một lần trong đời”, một người viết.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc du khách ngồi gần đoàn tàu đang chạy tiềm ẩn nguy hiểm “chết người” và “một sai lầm nhỏ có thể trở thành tai nạn”.
“Tôi sẽ không đánh đổi tính mạng để thử cảm giác này, nhỡ may tàu hỏa bị trật bánh thì sẽ thế nào”, một người thắc mắc.
“Đây là một hành động mạo hiểm, du khách không nên thử”, một người khác bình luận.
Trước đó, từ ngày 15/9/2022, cơ quan chức năng lập rào chắn, chốt chặn hai đầu lối vào xóm cà phê đường tàu nằm trên đường Trần Phú và Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), sau văn bản yêu cầu “xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu” của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Kể từ khi con phố này bị cấm hoạt động, nhiều quán cà phê đã mọc lên ở khu phố đường tàu dài khoảng 300m, nối từ trạm chắn Trần Phú tới Điện Biên Phủ – được nhiều du khách truyền tai là “phố cà phê đường tàu mới”.
Trạm chắn tại đây cũng có biển cấm, biển cảnh báo, tuy nhiên không có lực lượng an ninh túc trực. Chủ các quán cà phê công khai mời chào, đưa du khách vào quán. Du khách tự do đi lại, ngồi chụp ảnh trên đường tàu.
Công an phường Điện Biên sau đó đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát trật tự và cảnh sát khu vực tổ chức rà soát điều tra cơ bản, kiểm tra, giải quyết và xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, cho biết tâm lý chung của du khách là mong muốn trải nghiệm những điều khác lạ, độc đáo mà nước họ không có. Phố cà phê đường tàu Hà Nội đáp ứng được các tiêu chí đó.
Dù phố cà phê đường tàu nhận về nhiều quan điểm trái chiều, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn đường sắt, nhưng dưới góc độ du lịch, ông Đạt cho rằng đây là điểm đến có sức hấp dẫn lớn, đặc biệt với du khách phương Tây.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, nhận định không phải ngẫu nhiên phố đường tàu lại có sức hút đặc biệt đối với khách nước ngoài. Việc đóng cửa con phố này, theo ông Lương, là “một điều đáng tiếc”.
“Hiện nay hệ thống đường sắt tồn tại trong nội đô như ở Việt Nam còn rất ít. Phố đường tàu vì thế có thể xem là một sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt. Không chỉ khác biệt ở Hà Nội, mà khách du lịch cũng khó tìm thấy một trải nghiệm tương tự ở đất nước họ hay các điểm đến họ từng đi qua. Cái gì càng độc lạ thì càng hấp dẫn du khách”, ông Lương nói.
Trên thực tế, Hà Nội không phải là thành phố duy nhất khai thác du lịch từ đường tàu. Trước đó, hai xóm đường tàu nổi tiếng khắp châu Á, được nhiều người biết đến, là chợ đường tàu Maekong ở Thái Lan và làng cổ Thập Phần trên đảo Đài Loan.
Chính quyền địa phương tại đây đã phát triển du lịch quanh tuyến phố, trở thành điểm đến ưa thích của du khách.
“Tôi nghĩ xóm cà phê đường tàu nên được phát triển hơn là ngăn cấm, thí điểm giải pháp vừa an toàn vừa có sản phẩm phục vụ du lịch”, ông Nguyễn Tiến Đạt bày tỏ.
Ông cũng đề xuất các quán cà phê cần bố trí khách ngồi trong nhà hoặc trên sân thượng để du khách thư giãn chờ đợi tàu đi qua. Để đảm bảo an toàn, ngành đường sắt nên lắp thêm chuông cảnh báo hoặc đèn cảnh báo tại các quán để tạo hiệu ứng hấp dẫn khi chờ tàu.
“Không chỉ biến đây thành điểm check-in thu hút khách mà còn có thể tính đến việc xây dựng, quảng bá các tour du lịch bằng tàu hỏa như Hà Nội – Lào Cai.
Các chuyến tàu có thể được thiết kế bắt mắt, thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn bằng tàu hỏa, thu hút du khách trải nghiệm, tạo doanh thu cho ngành đường sắt”, ông Đạt nói.
PGS.TS Phạm Trung Lương kiến nghị xây dựng đề án quy hoạch cụ thể, các chủ quán ký cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. Du khách muốn đến tham quan cũng cần cam kết tuân thủ các quy định an toàn, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/du-khach-ke-phut-nin-tho-ngoi-uong-nuoc-sat-doan-tau-dang-chay-o-ha-noi-9767.html
0 nhận xét:
Post a Comment