Trà chanh giã tay đang là thức uống được nhiều người trẻ săn lùng. Tại Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn, các hàng trà chanh giã tay xuất hiện ở ven các đường phố, khu sinh viên hoặc khu vui chơi giải trí…
Theo tìm hiểu, công thức pha món đồ uống này du nhập từ Trung Quốc. Thay vì cách pha trà chanh thông thường, người bán sử dụng một loại chanh riêng, thường được gọi là chanh Quảng Đông hoặc chanh nước hoa.
Loại chanh này có hương thơm đặc trưng và đặc biệt khi giã không bị đắng. Người bán thường cạo bớt phần vỏ chanh, sau đó cắt chanh thành từng lát mỏng cho vào dụng cụ pha chế để giã lẫn với đá.
Độ giã mạnh sẽ làm vỡ các tép chanh, đặc biệt khiến tinh dầu được lan tỏa. Sau khi giã khoảng 1-2 phút, người bán sẽ cho thêm trà, siro đường hoặc mật ong để tạo thành một cốc đồ uống hoàn chỉnh.
Khi có khách đặt mua, người bán hàng mới bắt đầu thái chanh và giã. Thời gian pha chế một cốc trà chanh giã tay lâu hơn trà chanh bình thường nên khách mua luôn phải xếp hàng chờ đợi.
Giá bán của một cốc trà chanh giã tay dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng. Ngoài vị truyền thống chỉ có trà và chanh, nhiều cửa hàng còn tạo ra các vị khác nhau bằng cách kết hợp với lựu, đào, sả, nha đam, dâu….
Chị Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Trà chanh loại này có mùi thơm đặc biệt mà mọi người ví là thơm như nước hoa. Việc chứng kiến người bán tự tay giã chanh pha chế cũng đem đến cho người mua cảm giác thú vị, không lo phải uống hương liệu chanh.
Vị chanh ngon hơn chanh thường và gần giống với chanh vàng. Tuy nhiên, có lẽ đây là thức uống dành cho những người có thời gian vì nếu đến quán nào đông thì bạn sẽ phải chờ đợi khá lâu”.
Anh Hoàng Thế Hảo từng có thời gian buôn bán một số mặt hàng với các thương lái Trung Quốc nên sớm biết về món đồ uống đang gây sốt này.
Tháng 7 vừa qua, anh Hảo mở một quầy bán trà chanh giã tay và bất ngờ khi số lượng khách đến mua ngày một đông. Người đàn ông này cùng anh trai đã quyết định thuê một diện tích nhỏ ở phố Quảng Bá (Tây Hồ) để bán hàng.
Anh Hảo cho biết, mỗi ngày hai anh em anh dọn hàng từ 17h chiều và bán đến đêm khuya. Những ngày cuối tuần, khách đông, họ sẽ bán sớm hơn.
Nhờ cách pha chế mới lạ và hiệu ứng đám đông, ngày càng có nhiều người đến quán. Trung bình mỗi ngày, anh Hảo bán được 200 cốc, giá mỗi cốc là 25.000 đồng.
“Khách thường đi cùng giờ với nhau nên luôn bị dồn lại. Cao điểm từ 19h30 đến 22h30, lúc nào cũng có trên 10 người xếp hàng chờ mua. Hai anh em tôi thay nhau pha chế đồ uống phục vụ khách nhưng nhiều lúc vẫn không kịp”, anh Hảo chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Cũng theo người đàn ông này, việc giã chanh khá tốn sức. Hai anh em anh thường thay phiên nhau giã từ chiều đến đêm khuya. Chiếc chày giã làm bằng nhựa, được cuốn một đoạn cao su để tránh trơn trượt.
Khi giã, anh em anh Hảo thường đeo găng tay. Tuy nhiên vì làm việc liên tục, ngày nào cũng giã thông mấy tiếng nên tay của cả hai đều bị sưng đỏ, chưa kịp trở lại bình thường đã đến ngày bán hàng hôm sau.
Anh Hảo đã đăng tin thuê người giã chanh và trả lương cao. Song một số người đến làm được vài ngày lại xin nghỉ vì công việc yêu cầu phải hoạt động liên tục.
Nhanh chóng bắt kịp xu thế này, nhiều hội nhóm trà chanh giã tay đã được thành lập. Trên các hội nhóm nhiều người rao bán công thức, bán chanh Quảng Đông.
Giá chanh loại này được rao bán từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, có thời điểm khan hàng, giá bán lên tới 80.000 đồng đến 90.000 đồng/kg.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/khach-xep-hang-mua-tra-chanh-gia-tay-chu-gia-sung-tay-van-khong-kip-ban-9830.html
0 nhận xét:
Post a Comment