Những bất ngờ trong bữa tiệc cưới tổ chức linh đình
Sinh ra ở Vĩnh Long nhưng Thanh Tiến sớm chọn TPHCM làm nơi lập nghiệp. Với công việc là kỹ sư phần mềm, chàng trai 23 tuổi sau khi ra trường có cơ hội làm việc tại một công ty đa quốc gia. Sau đó, anh tiếp tục được sang Ấn Độ làm việc khoảng 6 tháng.
“Nơi tôi đang sinh sống là thành phố Bangalore, một đô thị cực kỳ phát triển được coi là đầu tàu của ngành khoa học kỹ thuật Ấn Độ. Thậm chí nơi đây còn mệnh danh là Thung lũng Silicon của nước này”, anh cho biết.
Tranh thủ quãng thời gian nửa năm, bên cạnh công việc hàng ngày, chàng trai người Việt còn tận dụng thời gian khám phá, trải nghiệm thêm cuộc sống tại quốc gia vùng Nam Á.
Mới đây, Tiến được một đồng nghiệp người Ấn Độ mời tới dự lễ cưới. Đây là lần đầu anh được trải nghiệm một đám cưới ở nước ngoài nên khá háo hức muốn tìm hiểu phong tục, tập quán địa phương xem có gì khác biệt so với Việt Nam.
Tiến cho biết, thông thường các đám cưới ở Ấn Độ có thể kéo dài tới 7 ngày tùy theo phong tục mỗi gia đình. Nhưng gia đình người bạn đồng nghiệp vì muốn đơn giản nên chỉ tổ chức gói gọn trong 2 ngày.
Ngày đầu tiên, bạn bè, đồng nghiệp sẽ tới chúc phúc và chụp hình cùng cô dâu chú rể. Tiếp đó sẽ tới màn dự tiệc. Tới buổi thứ 2 sẽ diễn ra những nghi lễ theo văn hóa của người Ấn và chỉ có người thân tham dự.
Tiến được mời ở bữa tiệc ngày đầu, tổ chức tại một nhà hàng sang trọng trong thành phố. Lễ cưới diễn ra hoành tráng, trang trí nhiều hoa và đèn, có số lượng khách tới dự lên tới 1.000 người.
Khi vào trong bữa tiệc, quan khách sẽ ngồi xem video trình chiếu những khoảnh khắc ngọt ngào của cô dâu chú rể rồi xếp hàng lên chụp ảnh cùng cặp đôi tân lang tân nương. Tiếp theo tất cả cùng xuống tầng một dùng tiệc.
“Bàn tiệc gồm rất nhiều món ăn truyền thống của người Ấn Độ. Với tôi, đây là bữa tiệc phục vụ chỉn chu, sạch sẽ và đồ ăn khá ngon. Khách tới dự sẽ tặng phong bì cưới cho cô dâu chú rể. Tuy nhiên, người Ấn Độ lại không quan trọng bạn mừng cưới bao nhiêu tiền. Thậm chí, chỉ cần bạn có mặt và tặng họ một bó hoa cũng đủ vui”, chàng kỹ sư Việt cho biết.
Và dù tiệc cưới tổ chức ở nhà hàng hạng sang nhưng vẫn dùng lá chuối thay cho chén đĩa. Quan khách đều dùng tay ăn bốc các món truyền thống. Điều khiến anh ngạc nhiên hơn nữa là tiệc cưới ở Ấn Độ hoàn toàn vắng bóng rượu bia, nước ngọt. Sau buổi tiệc, mỗi người còn được tặng một quả dừa làm quà.
Ẩm thực đường phố Ấn Độ có “đáng sợ” như lời đồn?
Ở thành phố Bangalore, hiện Tiến đang sống tại một khách sạn với giá thuê khoảng 11 triệu/tháng. Đây là nơi có hệ thống an ninh tốt. Tuy nhiên, vị khách Việt cho biết, thậm chí chỉ khoảng 2 triệu đồng hoặc thấp hơn, khách vẫn có thể thuê trọ tại khách sạn nhưng ở những nơi “xập xệ” và khó kiểm soát vấn đề an toàn.
Hàng ngày anh vẫn tự tranh thủ đi chợ nấu nướng. Tiến cho rằng giá cả sinh hoạt ở Bangalore không quá đắt đỏ. Nếu tự đi mua đồ về nấu sẽ rẻ hơn nhiều so với việc chọn đồ ăn sẵn. Mặc dù vậy, anh vẫn tranh thủ những lúc rảnh rỗi để ra phố, khám phá ẩm thực địa phương.
Khi xem nhiều kênh truyền thông xuất hiện các clip ghi lại cảnh tượng món ăn đường phố Ấn Độ chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chàng trai người Vĩnh Long cho rằng những điều mình được “mắt thấy tai nghe” không hẳn tất cả đều như vậy.
“Các quán ăn tại đây được chia theo từng mức thu nhập. Mỗi người dân sẽ tùy vào mức thu nhập để tìm quán ăn cho phù hợp. Việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm thường sẽ là những khu thuộc tầng lớp Dali. Đây cũng là tầng lớp thấp nhất ở xã hội Ấn Độ.
Họ có mức thu nhập rất thấp, thường chịu sự coi thường từ những tầng lớp cao hơn và không đủ tiền mua những món tươi sống, hợp vệ sinh. Không còn cách nào khác, họ buộc phải chọn món kém chất lượng vì giá rẻ. Khi tận mắt chứng kiến cảnh này, tôi cũng rất thương họ”, Tiến tâm sự.
Được trải nghiệm nhiều món ăn đường phố, chàng trai Việt nhận thấy Ấn Độ sở hữu nền ẩm thực đa dạng, được tổng hòa từ nhiều gia vị đặc trưng. Anh cho rằng không phải món ăn Ấn nào cũng khó ăn, thậm chí có món rất ngon và hợp khẩu vị với người Việt.
“Đồ ngọt, Dosa, Samosa hay món chế biến từ gà như chicken biryani, tandoori chicken đa phần đều được người Việt ưa chuộng. Ở đây chủ yếu thiết kế những khu bếp mở nên thực khách được tận mắt nhìn cảnh đầu bếp chế biến món ăn ra sao, khâu vệ sinh an toàn thực phẩm có đảm bảo không. Thú thực, tôi ăn đồ ngoài hè phố nhiều nhưng cũng may chưa từng bị đau bụng”, Tiến nói.
Ấn tượng về một Ấn Độ thân thiện, hòa đồng
Sinh sống và làm việc ở một thành phố công nghiệp như Bangalore nhưng điều Tiến thích nhất là cách người dân giữ màu xanh cho đô thị sầm uất này. Nơi đây tràn ngập cây xanh với khí hậu trong lành, mát mẻ, khác hẳn những gì nhiều người hình dung về một Ấn Độ “bị ô nhiễm bầu không khí nặng nề”.
Sau một thời gian tiếp xúc với người dân địa phương, hòa mình cùng nền văn hóa mới, Tiến cảm kích trước cách được đối xử tận tình và hiếu khách, dù mình chỉ là người xứ lạ.
“Lúc mới chân ướt chân ráo sang đây, mọi thứ với tôi đều lạ lẫm. Nhưng tôi được chủ khách sạn đối đãi thân tình như người nhà. Anh mày mò tìm cho tôi nơi đổi tiền sao cho có tỷ giá tốt nhất, thậm chí không ngại bỏ ra 2 ngày làm việc để tìm mua giúp chiếc xe đạp cho thuận tiện đi lại. Khi tới các khu ẩm thực để quay phim chụp hình, tôi được người dân mời ở lại dự lễ hội, cùng nhau nhảy múa đốt pháo.
Hay cuộc sống văn hóa công sở nơi tôi làm việc ở Ấn Độ cũng khá dễ chịu. Tại đây, những đồng nghiệp người Ấn luôn đồng hành giúp đỡ để tôi hiểu thêm về văn hóa cũng như công việc. Đó là những điều rất đáng trân quý”, chàng trai Việt bộc bạch.
Bên cạnh những giá trị tích cực bản thân được trải nghiệm, với Tiến, Ấn Độ vẫn tồn động một số vấn đề bất cập. Điều đầu tiên phải nhắc tới là vấn nạn giao thông. Truyền thông nước ngoài từng nhiều lần xếp hạng nhiều thành phố lớn ở Ấn Độ nằm trong nhóm “đô thị tắc đường nhất thế giới”. Bởi vậy với anh, việc tham gia giao thông tại đây “là trải nghiệm không hề dễ chịu”.
Tiếp đó, Tiến được chứng kiến những trường hợp thể hiện sự phân chia giai cấp, tầng lớp khá rõ nét. Anh cho rằng đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng và kìm hãm sự phát triển của quốc gia này.
Dù quãng thời gian ở Ấn Độ không dài nhưng với Tiến điều này cũng đủ để anh cảm nhận được sự bình yên, hiếu khách ở mảnh đất này.
“Tôi cảm thấy may mắn vì bản thân có dịp trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau, giúp mình thêm vốn sống cho tương lai. Nếu có cơ hội, chắc chắn tôi sẽ trở lại đây để tiếp tục chia sẻ những điều tích cực tới mọi người”, anh trải lòng.
Ảnh: Thanh Tiến
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/khach-viet-ke-dieu-la-o-an-do-do-an-he-pho-khong-dang-so-nhu-loi-don-10273.html
0 nhận xét:
Post a Comment