Phở xua tan cái lạnh vùng cao nguyên - Du Lịch Biển Việt Nam
latest Post

Phở xua tan cái lạnh vùng cao nguyên

Sự kiện Phở về với trẻ vùng cao thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và các em học sinh tham gia - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sự kiện Phở về với trẻ vùng cao thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và các em học sinh tham gia – Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhờ sự chung tay của những người nấu phở, đã có hàng ngàn trẻ em kém may mắn và người dân ở vùng sâu vùng xa lần đầu tiên trong đời được nếm hương vị tô phở bò nóng hổi, thơm phức và đầy ắp sự sẻ chia.

Từ sáng sớm, mặc dù sương mù còn dày nhưng cái lạnh nhanh chóng bị xua tan bởi không khí sôi động từ khu vực sự kiện, các bàn ăn được lấp đầy bởi các em học sinh đến từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, Làng trẻ SOS Đà Lạt, Trường Dân tộc nội trú, Trường Khiếm thính tỉnh…

Ở khu vực nấu phở, hương thơm từ các nồi nước dùng bốc lên khiến nhiều em không khỏi “cồn cào” cái bụng, xếp hàng chờ được ăn phở.

Háo hức thưởng thức phở lạ

Ăn liền hai tô phở cho đã thèm là trải nghiệm của tín đồ phở Tơ Ly Trung (17 tuổi, dân tộc Churu, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Lâm Đồng). 

Dù mới ăn phở có “vị thuốc bắc”, Trung thấy mình rất hợp và vẫn… chưa ngán. “Em cùng bạn đến đây ăn phở và tham gia game show, giao lưu với mọi người. Sáng sớm ăn được tô phở ngon thấy tinh thần sảng khoải lắm, ấm bụng nữa”, Trung cho biết.

Phát biểu tại sự kiện, nhà báo Võ Hùng Thuật – giám đốc Trung tâm dịch vụ truyền thông báo Tuổi Trẻ – cho biết việc đưa phở về với trẻ em vùng cao không chỉ là đưa một tô phở vật chất mà còn là sự sẻ chia, qua từng tô phở còn thấy được câu chuyện văn hóa ẩm thực, phát triển kinh tế của đất nước.

“Để nâng cao giá trị hạt gạo, chế biến sản phẩm giá trị cao từ hạt gạo và phục vụ đời sống người dân tốt hơn, thông qua chuỗi sự kiện, chúng tôi chọn phở như món ăn đại sứ trong văn hóa ẩm thực”, ông Thuật nói.

Còn ông Nguyễn Đức Mẫn – đại diện Công ty cổ phần Acecook Việt Nam – bày tỏ sự vui mừng khi đến tham gia sự kiện Ngày của phở 12-12 lần thứ 7, lần đầu tiên được tổ chức tại TP Đà Lạt. Theo ông Mẫn, đưa phở về với trẻ em vùng cao là hoạt động cộng đồng hết sức ý nghĩa.

“Phở là món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Sẽ thật tuyệt nếu một ngày nào đó mỗi người dân trên thế giới đều có thể thưởng thức được một tô phở Việt. 

Nhưng trước đó, chúng tôi ước muốn mỗi người Việt Nam đều có cơ hội biết đến và thưởng thức món ăn đặc sắc này. Hoạt động đưa phở về với trẻ em vùng cao như ngày hôm nay là cực kỳ ý nghĩa và góp phần hiện thực hóa ước mơ đó của chúng tôi”, ông Mẫn nói.

Ngoài phục vụ phở, sự kiện còn thu hút nhiều bạn trẻ bởi phiên chợ 0 đồng. Những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến với chương trình sẽ được tặng “tiền” với mệnh giá 1 đến 5 tô phở để mua những món hàng mình thích gồm: phở khô Acecook, đồ chơi, dụng cụ học tập, sữa.

Tại sự kiện, ban tổ chức và các nhà đồng hành cũng đã trao 200 suất học bổng với tổng trị giá 200 triệu đồng cho các em học sinh vượt khó. 

Ngoài ra, ban tổ chức đã trao tặng số tiền trích từ bán vé tại Nhật (100 yen/vé, tổng cộng 75 triệu đồng) cho bốn đơn vị.

Các em nhỏ hào hứng thưởng thức những tô phở thơm ngon dưới tiết trời se lạnh của Đà Lạt - Ảnh: DUYÊN PHAN

Các em nhỏ hào hứng thưởng thức những tô phở thơm ngon dưới tiết trời se lạnh của Đà Lạt – Ảnh: DUYÊN PHAN

Tiếp tục mang phở yêu thương đến bệnh viện

Khu vực nấu phở càng lúc càng thu hút nhiều người quan tâm bởi sự “rủ rê” từ hương thơm của phở bốc lên. Các chủ quán phở đã có một đêm thức trắng chăm chút nồi nước dùng để sáng hôm sau người dân phố núi Đà Lạt, trong đó có các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thưởng thức tiệc phở.

Hoa hồi vàng Nguyễn Tự Tin – đồng sáng lập thương hiệu Phở’S – đã mang nguyên liệu từ Kon Tum sang Đà Lạt để tặng 2.000 tô phở sâm cho các em nhỏ. 

Tất bật múc phở đến toát mồ hôi bởi số người quá đông, anh Tự Tin vẫn không thấy mệt. Ngược lại, anh thấy hạnh phúc vì có thể mang phở với công thức đặc biệt của gia đình đến nhiều người dân nơi khác. 

Nhiều năm nay, Phở’S là một trong những tiệm phở đồng hành cùng Ngày của phở trong các hoạt động cộng đồng.

“Đêm qua không ngủ mà sao chẳng thấy mệt”, đó là tâm sự của bà Vũ Thị Đào (thương hiệu Phở Xưa Đào Thị, quận 6, TP.HCM) khi kết thúc chương trình. Dọn dẹp bếp núc xong xuôi, bà Đào đứng dựa vào cửa xe. 

Trong sáng 10-12, 300 tô phở từ gian bếp Phở Xưa Đào Thị thoáng đã hết vèo. “Có nhiều người ăn phở xong tới xin thêm nước vì hợp, ngon nhưng tôi nào còn… Ước gì tôi có hai ngày nấu phở cho bà con Đà Lạt ăn”, bà Đào tiếc nuối.

Tương tự, anh Cao Văn Luận (thương hiệu Phở Hoa Hồi Vàng tại Úc) không muốn có cảm giác nuối tiếc. Khi chương trình của báo Tuổi Trẻ chưa kết thúc, anh đã nhờ kết nối để đúng Ngày của phở 12-12 sẽ nấu tặng bệnh nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng 2.000 tô phở. Sau khi được thông báo đã kết nối thành công, anh mừng như chính anh là người được tặng quà.

“Mình từ xa về, tới Đà Lạt làm một công việc cộng đồng đúng sở thích khiến mình vui lắm. Có lẽ không nên dừng lại niềm vui đó nên mình nấu phở tặng bà con trong bệnh viện. Mong sao bà con khỏe hơn một tí và tiết kiệm được một bữa ăn”, anh Luận tâm sự.

Cùng cảm xúc với anh Luận, bà Bùi Thị Kim Thành (đồng sáng lập Phở Atisô Đà Lạt) cũng nhờ ban tổ chức kết nối để nấu 300 suất phở cho các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi tỉnh Lâm Đồng. Kế hoạch được chị Thành lên khuôn ngay khi sự kiện “Phở về với trẻ vùng cao” còn đang trong giai đoạn chuẩn bị.

“Tôi vốn là người kinh doanh nông sản, chuyển sang bán phở cho vui để “nghỉ hưu”. Ai ngờ làm rồi mê luôn. Trước khi có sự kiện cộng đồng nhân Ngày của phở 12-12, tôi giống như người đi bộ một mình, chậm, buồn và chỉ tự mình cảm nhận hành trình của mình thôi, không thấy vui lắm.

Nhưng khi tham gia sự kiện, tôi thấy mình giống như được lên thuyền đi chơi cùng đồng nghiệp vậy. Tô phở mỗi ngày tự dưng vui hẳn. Để đánh dấu cho sự gặp gỡ những người nấu phở danh tiếng từ TP.HCM, Hà Nội và Úc, tôi nghĩ đến việc phải nấu phở cho bệnh nhi”, chị Thành kể. Chị ấn định đầu năm mới sẽ cùng chồng con mang phở atisô đến tận nơi các em nhỏ đang khám chữa bệnh.

Ngày của phở 12-12 đang trở thành ngày kỷ niệm quen thuộc đối với toàn dân, cũng là dịp để những người yêu phở sẽ tiếp tục đồng hành, truyền tải nét đẹp của phở đến không chỉ người dân Việt Nam mà toàn thế giới.

Khi tham gia sự kiện, tôi thấy mình giống như được lên thuyền đi chơi cùng đồng nghiệp vậy. Tô phở mỗi ngày tự dưng vui hẳn.

Bà BÙI THỊ KIM THÀNH (đồng sáng lập Phở Atisô Đà Lạt)

Nhân bảy năm Ngày của phở 12-12, báo Tuổi Trẻ tổ chức hoạt động cộng đồng “Phở về với trẻ vùng cao” tại Trường đại học Đà Lạt từ ngày 9 đến 10-12, với sự đồng hành của Acecook Việt Nam.

Chuẩn bị phở cho các em nhỏ là đầu bếp các quán phở, Hoa hồi vàng, Hoa hồi bạc các năm như Nguyễn Tự Tin, Nguyễn Tiến Hải, Cao Văn Luận, Vũ Thị Đào, Uông Lâm Bích Hoàng… cùng các thương hiệu phở nổi tiếng như Phở Dậu, Phở Hai Thiền, Phở’S, Phở Xưa Đào Thị, Phở Atisô, Phở Đệ Nhất…

Chương trình có sự hỗ trợ của Trường đại học Đà Lạt, các nghệ sĩ Thanh Bạch, hoa hậu Ngọc Hân, hoa hậu hoàn vũ Việt Nam Bùi Quỳnh Hoa, hoa hậu hoàn cầu Việt Nam Kim Ngân, ca sĩ – nhạc sĩ Hoàng Luân, ca sĩ Lê Thu Hiền, Thu Minh, X-Mile Band, MC Anh Đào, Thiên Ân cùng các đơn vị: Suntory Pepsico và cà phê Là Việt.

Nhiều "bí kíp" ở lớp học nấu phởNhiều ‘bí kíp’ ở lớp học nấu phở

Chiều 9-12, lớp học nấu phở dành cho các cán bộ nhân viên, sinh viên của Trường đại học Đà Lạt đã diễn ra trong sự sôi động bởi hàng loạt kiến thức bổ ích về phở từ chia sẻ của các chủ quán.

Nguồn: Sưu tầm

https://diendandulich.tct.info.vn/pho-xua-tan-cai-lanh-vung-cao-nguyen-10285.html

About Kiếm Tiền Trên Mạng

Kiếm Tiền Trên Mạng
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Post a Comment