Hành trình khám phá xứ sở băng tuyết
Chị Hoàng Lan (37 tuổi, chủ một cửa hàng thời trang ở Hà Nội) vừa có chuyến du lịch 8 ngày 7 đêm đến Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc.
Nơi đây được mệnh danh là xứ sở băng tuyết nổi tiếng ở đất nước tỷ dân khi suốt mùa đông, mọi con đường, ngõ phố, nhà cửa, công viên đều được phủ những lớp băng tuyết trắng xóa.
Cùng đi với chị Lan còn có nhóm bạn 7 người, một trong số họ có thể giao tiếp được tiếng Trung nên cả nhóm đã chủ động di chuyển đến Cáp Nhĩ Tân sau đó thuê xe dẫn cả đoàn đi tham quan. Chi phí chuyến đi tính trung bình là 45 triệu đồng/người.
Chị Lan cho biết, vì yêu mùa đông, muốn tận mắt ngắm tuyết rơi, tận hưởng “giấc mơ tuyết trắng” và thử trải nghiệm cuộc sống ở nơi lạnh -30 độ C nên chị đã chuẩn bị rất cẩn thận cho chuyến đi. Ngoài yếu tố sức khỏe, chị còn mang theo nhiều đồ dùng để tránh rét.
Vì thời tiết ở Cáp Nhĩ Tân rất lạnh, luôn ở mức -30 đến -20 độ C nên chị Lan sử dụng nhiều quần áo như áo giữ nhiệt cao cổ, áo len cổ lọ, áo lông, áo phao lông vũ loại chống nước, khăn choàng, găng tay.
Mỗi khi ra ngoài, chị thường mặc 4-5 lớp áo để không bị nhiễm lạnh. Tương tự, để giữ ấm cho đôi chân, chị thường mặc 2-3 chiếc quần bên trong có lớp lót nhung tuyết hoặc lót nỉ…
“Tôi giữ ấm phần đầu bằng mũ có chụp tai và mũ của áo khoác. Khẩu trang vải tôi mang theo cũng là loại dày, chỉ bỏ ra lúc chụp ảnh.
Ngoài ra, tôi dùng cả chục miếng dán giữ nhiệt mỗi lần để dán vào tay, chân, thân mình. Nếu mọi người muốn mặc đẹp để tạo dáng chụp ảnh thì miếng dán giữ nhiệt là món đồ không thể thiếu.
Đôi chân là phần tiếp đất nên tôi đi tới 3 đôi tất, 2 mỏng 1 dày và dùng thêm miếng dán giữ nhiệt. Giày là loại có lót lông để đảm bảo đôi chân có thể đủ ấm và linh hoạt khi hoạt động ngoài trời lâu”, nữ du khách kể.
Ngoài trang phục giữ ấm, chị Lan còn chuẩn bị một số loại thuốc dự phòng và đặc biệt là mang theo kem dưỡng ẩm để cấp ẩm cho da.
Thời tiết -30 độ, cá hóa đá, rau củ trên sạp cũng đông cứng
Thời tiết ở Cáp Nhĩ Tân quá lạnh giá nên mới đầu đến đây, chị Lan không khỏi bị sốc nhiệt. Phải mất 2 ngày, chị Lan mới thích nghi được với điều kiện thời tiết ở đây.
Chị quan sát thấy, những chai nước lọc để trên xe vài tiếng đã bị đông thành đá. Đôi lúc, chị Lan cởi găng tay ra vài ba giây là tay sưng đỏ, tê cứng đến nỗi không cử động, cũng không gập được ngón tay, nhức buốt.
“Sau vài lần như vậy, tôi rút ra kinh nghiệm tuyệt đối không để lộ đôi tay ra ngoài trời rét bởi khi lạnh tay thì toàn bộ cơ thể sẽ không chống chịu được với băng tuyết.
Khi nào hoạt động bên ngoài quá lâu, tôi lại chạy vào quán ăn, siêu thị hoặc tiệm chụp ảnh trú vài phút để cho người ấm lại”, chị Lan kể.
Trong chuyến du lịch, chị Lan cảm thấy vô cùng ấn tượng với cuộc sống sinh hoạt của những người dân nơi đây.
“Vì đã quen với lạnh giá nên mọi sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường. Họ mặc rất ấm với các trang phục như áo phao, mũ lông. Tất cả đều đậm phong cách miền tuyết.
Bên ngoài tuy lạnh nhưng các ngôi nhà, khách sạn đều ấm áp do người dân trang bị hệ thống sưởi. Nhờ thế, mọi sinh hoạt từ việc ăn uống, tắm giặt, nghỉ ngơi của người dân và những du khách như chị Lan gần như không gặp nhiều trở ngại.
Để cơ thể có thêm năng lượng, họ ăn chủ yếu đồ cay, nóng và nhiều dầu mỡ. Chị Lan thấy các món ăn rất đầy đặn và hợp khẩu vị.
Cuộc sống bên ngoài các ngôi nhà khiến chị Lan cảm thấy thích thú và hiếu kỳ. Người dân bày bán cá ngay trước cửa hàng, trên nền tuyết hay treo lên cánh cửa. Những chú cá đều đã bị hóa đá mà không cần tủ bảo quản như những nơi khác. Nhiều loại hoa quả, ngũ cốc cũng phủ băng tuyết và đông cứng vì trời quá lạnh.
“Ăn các loại quả đó cảm giác như ăn đá hay kem hoa quả vậy. Thực sự rất lạnh”, chị Lan nói.
Đến xứ sở băng tuyết nổi tiếng của Trung Quốc, nhóm của chị Lan được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như trượt tuyết, đi xe ngựa tham quan rừng tuyết, đi trên sông băng, ngủ đêm tại Làng Tuyết Hương cổ tích.
Sáng sớm dậy, cả nhóm tham gia trò chơi hắt nước sôi lên trời thành đá với giá 50 tệ (trên 160 nghìn đồng) 1 gáo nước sôi.
Đến Cáp Nhĩ Tân, chị Lan cũng đã đến nhà thờ Saint Sophia Cáp Nhĩ Tân để chụp bộ ảnh “nữ hoàng băng giá”.
“Mọi người nên chụp khung giờ 3-4h chiều là lúc chuyển giao trời sáng và tối để vừa có ảnh lúc nhà thờ ban ngày và vừa có ảnh lúc nhà thờ bật đèn. Xung quanh nhà thờ có nhiều tiệm ảnh với đủ loại phục trang, giá trung bình từ 499-899 nhân dân tệ (khoảng 1,6 đến 2,7 triệu đồng)/phong cách chụp, được chọn 30 kiểu ảnh”, chị Lan nêu kinh nghiệm.
Theo chị Lan, điều khiến chị ấn tượng nhất sau chuyến đi là cảnh sắc ở Làng Tuyết Hương đẹp lung linh như trong truyện cổ tích. Đặc biệt, người dân nơi đây cũng rất tuyệt vời, họ không chỉ thích nghi được với thời tiết mà còn biết cách tận dụng thời tiết khắc nghiệt để sinh tồn và làm du lịch một cách chuyên nghiệp, chỉn chu.
Lịch trình du lịch Cáp Nhĩ Tân được chị Lan chia sẻ cụ thể:
Ngày 1: Hà Nội – sân bay Cáp Nhĩ Tân, cả đoàn bay tối và nghỉ đêm ở một khách sạn trong thành phố Cáp Nhĩ Tân.
Ngày 2: Từ Cáp Nhĩ Tân, cả nhóm di chuyển đến khu trượt tuyết Á Bố Lực, tối ngủ tại Á Bố Lực.
Ngày 3: Nhóm di chuyển đến Làng Tuyết Hương, nơi có những ngôi nhà nhỏ xinh phủ đầy tuyết trắng như trong cổ tích.
Ngày 4: Cả đoàn di chuyển từ Làng Tuyết Hương đến Trường Bạch Sơn, nghỉ ngơi tại Trường Bạch Sơn.
Ngày 5: Tham quan Trường Bạch Sơn, tối di chuyển về điểm du lịch Diên Cát, ngủ tại Diên Cát.
Ngày 6: Từ Diên Cát di chuyển về Cáp Nhĩ Tân sau đó về Hà Nội.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/khach-viet-chi-45-trieu-dong-thu-song-o-noi-lanh-30-do-c-ca-len-bo-hoa-da-10860.html
0 nhận xét:
Post a Comment