Giá vé máy bay nội địa tăng, khách chọn du lịch nước ngoài
Theo Thông tư 34/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, từ 1/3, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000-250.000 đồng/vé/chiều.
Cụ thể, đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều. Với đường bay có khoảng cách 850km đến dưới 1.000 km, giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều.
Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách 1.280km trở lên sẽ có giá trần 4 triệu đồng/vé/chiều.
Tình hình này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của người dân trong việc du lịch.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Thanh Thanh – nhân viên lập kế hoạch của TransViet Travel – cho biết việc giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá tour du lịch nội địa trong mùa hè năm nay. Chị cho rằng đây cũng là rào cản lớn đối với các công ty du lịch lữ hành.
“Giá vé máy bay nội địa và quốc tế đều tăng, nhưng các chặng bay nội địa đang trên đà tăng cao hơn. Do đó, khách hàng có xu hướng chọn du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước. Trong đó, các tour Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc được khá nhiều người quan tâm.
Tình hình vé nội địa tăng cao vô tình khiến du lịch trong nước trở nên bão hòa. Những tour du lịch nội địa sử dụng phương tiện di chuyển bằng máy bay bị đội giá lên cao”, chị Thanh nói.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT của công ty cổ phần du lịch – truyền thông Golden Smile, cho rằng vé máy bay trong nước tăng khá cao (30-40%) so với vé đi nước ngoài. Trước thách thức này, ông Phương cũng phải đề ra phương án cắt bớt lợi nhuận để kích cầu du lịch.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nghĩa Sơn, Trưởng phòng MICE Event – Cty Rồng Việt Travel, nhận định người Việt có nhu cầu đi du lịch nước ngoài không phụ thuộc hoàn toàn vào giá vé máy bay, mà còn là sự hiếu kỳ, thích khám phá.
“Để biết nhu cầu của khách có thật sự thích đi nước ngoài hay không thì phải xem họ có trở lại du lịch ở quốc gia đó hay không. Khi người ta muốn quay trở lại nơi nào đó chứng tỏ du lịch ở đó đủ hấp dẫn và phát triển”, ông Nghĩa Sơn đưa ý kiến.
“Chữa cháy” bằng xe khách, xe lửa
Đối với TransViet Travel, để khách hàng không cảm thấy “ngán” khi giá tour tăng theo giá máy bay, phía công ty chủ động nâng chất lượng dịch vụ và chấp nhận giảm lợi nhuận để giá tour không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Đối với những tour nội địa hoặc Campuchia, phía doanh nghiệp đề xuất phương án di chuyển bằng xe khách, xe lửa thay cho việc đi bằng máy bay.
Ông Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Kinh doanh của Đất Việt Tour, cho biết doanh nghiệp đã lấy vé máy bay theo gói từ trước nên giá vé không ảnh hưởng nhiều đến giá tour hiện tại .
“Thực tế, chỉ những tour phát sinh từ tháng 3 đến nay thì giá tour mới có sự thay đổi cao hơn bình thường một chút. Vì giá vé máy bay trong nước tăng cao, nên khách sẽ chọn đi bằng xe với quãng đường từ 500 km đổ lại. Tour du lịch Hà Nội cũng 8-10 triệu đồng, ngang với Thái Lan, nên nhiều người chọn nước ngoài.
Đối với du lịch nội địa, khách hàng dưới 25 tuổi, nếu du lịch đường bộ, họ thường chọn đi Phan Thiết, Đà Lạt. Khách hàng trên 40 tuổi thường chọn các tour du lịch bằng đường bay ở Phú Quốc, Đà Nẵng hoặc Hà Nội”, ông Hải nói.
Đại diện Công ty cổ phần du lịch Vigotour cho biết vé máy bay đã lấy theo gói ở tất cả thị trường từ đầu năm nay nên giá tour không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Tuy nhiên, đơn vị này cũng nhận định du lịch nội địa đang bị ảnh hưởng nhiều vì vé máy bay.
Về vấn đề này, phía công ty Rồng Việt Travel đưa quan điểm: “Câu chuyện vé máy bay thì ở mỗi công ty du lịch có cách tính toán khác nhau. Họ có thể làm việc với hãng bay, đặt mua theo gói cả năm để có nhiều ưu đãi. Việc vé máy bay tăng vô tình làm giá tour nhích lên. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chấp nhận tăng chất lượng dịch vụ thì khách hàng cũng sẽ không e ngại về giá tour”.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/gia-ve-may-bay-tang-cao-cong-ty-du-lich-chua-chay-bang-xe-khach-tau-lua-11966.html
0 nhận xét:
Post a Comment