Mới đầu hè đã xảy ra liên tiếp các vụ học sinh đuối nước trên biển. Có những em may mắn được người dân kịp thời cứu sống. Nhưng cũng có trường hợp bị dòng nước cuốn đi.
Theo các chuyên gia, đa số vụ đuối nước đến từ việc người tắm biển rơi vào “bẫy” dòng chảy xa bờ.
Người biết bơi cũng mắc “bẫy”
Dòng chảy xa bờ (dòng RIP) là dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sự hình thành của dòng chảy xa bờ được các nhà khoa học lý giải từ gió thổi sóng cuốn xô mạnh nước biển tràn vào bờ. Dòng nước biển được xô liên tục này sẽ tập hợp lại và tạo thành một dòng chảy ngược lại ra biển.
Cách nhận biết và thoát khỏi dòng chảy xa bờ để tránh đuối nước khi tắm biển
Dòng chảy xa bờ thường hẹp, chiều ngang trung bình khoảng 1-3m, nhưng cũng có khi rộng đến cả chục mét.
TS Trần Bá Thoại – cố vấn chuyên môn Bệnh viện 199 (Đà Nẵng) – cho biết dòng chảy xa bờ thường chảy rất mạnh, sát đáy biển, phía trên thường là vùng nước tương đối phẳng lặng, không sóng.
Do đó, đây chính là cái “bẫy” với người tắm biển, đặc biệt những người không biết hay bơi kém, vốn hay tìm nơi ít sóng với hy vọng đây là vị trí an toàn.
“Dòng chảy xa bờ cực kỳ nguy hiểm vì nó kéo cả những người biết bơi ra xa bờ làm cho người biết bơi kiệt sức khi cố bơi ngược dòng, rồi chết đuối. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn khiến người biết bơi không còn khả năng phán đoán và xử lý tình huống chính xác để bảo vệ mạng sống”, TS Thoại cho hay.
Nhận dạng và thoát khỏi dòng chảy xa bờ
Theo ông Nguyễn Đức Vũ – trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đặc điểm dễ nhận dạng nhất dòng chảy xa bờ là khu vực có màu nước sẫm hơn và mặt nước phẳng lặng.
Ông Vũ có lời khuyên “cứu mạng” khi lỡ bị rơi vào dòng chảy xa bờ là cần hết sức bình tĩnh.
“Tuyệt đối không được cố bơi ngược lại dòng chảy xa bờ để vào bờ. Hãy bơi song song với bờ biển về phía hai bên của dòng chảy. Có thể bình tĩnh giữ cơ thể nổi xuôi theo dòng chảy xa bờ. Khi đến điểm cuối, dòng chảy xa bờ sẽ tự đánh dạt người qua hai bên. Vùng này nước nông và có sóng bạc đầu để dễ bơi vào bờ hoặc nhờ sóng này đẩy vào bờ”, ông Vũ nói.
Ông Lê Hữu Huy – đội phó Đội cứu hộ các bãi biển du lịch Đà Nẵng – cho biết dòng chảy xa bờ không cố định, xuất hiện ngẫu nhiên ở các bãi biển.
“Lực lượng cứu hộ đã ứng cứu nhiều trường hợp rơi vào dòng chảy xa bờ. Những người này dù thấy có biển cấm tắm nhưng tâm lý thích tắm ở vùng sóng êm. Khi gặp dòng chảy xa bờ thì họ rất hoảng loạn, cố bơi ngược nên đuối sức”, ông Huy nói.
Khuyến cáo tuân thủ an toàn khi tắm biển
Ông Nguyễn Đức Vũ – trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng – khuyến cáo người dân và du khách phải tắm biển trong khung giờ có người trực cứu hộ, khu vực có giăng phao an toàn và tuân thủ chỉ dẫn từ các biển chỉ báo.
Người tắm biển cần tuân thủ hiệu lệnh của lực lượng cứu hộ, không tắm ở nơi hẻo lánh, không có người quan sát. Đặc biệt trẻ nhỏ đi tắm phải có sự giám sát của người lớn. Việc trang bị kỹ năng bơi lội là rất cần thiết.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/tam-bien-mua-he-coi-chung-dinh-bay-dong-chay-xa-bo-12040.html
0 nhận xét:
Post a Comment