Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ Thái Lan đã đích thân tham gia chỉ đạo giải quyết vụ 6 du khách người Việt tử vong ở Thái Lan, một vụ việc nóng đang có nguy cơ ảnh hưởng rất mạnh đến hình ảnh du lịch của quốc gia này.
Ngay trong đêm 16/7, Thủ tướng Srettha Thavisin đã có mặt tại hiện trường vụ 6 người Việt tử vong trong khách sạn ở Bangkok để trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ việc. Tiếp đó, cuộc họp báo khẩn diễn ra ngay trong đêm để đem đến những thông tin ban đầu nhanh chóng và đầy đủ nhất cho công chúng thông qua truyền thông, từ đó trấn an, tạo sự yên tâm cho hàng triệu du khách khác.
Thủ tướng Srettha Thavisin cho biết, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sẽ tham gia điều tra nguyên nhân vụ việc do có 2 nạn nhân là người Mỹ gốc Việt. Ông cũng thông báo đã gặp Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng và cam kết sẽ điều tra kỹ lưỡng vụ việc…
Tất cả những điều này cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Thái Lan. Họ muốn gửi đến thế giới thông điệp, Thái Lan là điểm đến mà bạn có thể tin cậy, yên tâm về sự an toàn cá nhân.
Và từ đây, người ta có thể thấy được một công thức phù hợp để biến một điều tồi tệ trở nên bớt tồi tệ hơn, hay nói đúng hơn là một bài học trong nghịch cảnh. Nói không ngoa, Thái Lan đã tận dụng mọi cơ hội để tạo ra sự yên tâm cho du khách, ngay cả trong một “sự cố”.
Kể từ đầu hè, trên Instagram và Facebook của tôi tràn ngập hình ảnh những người bạn thân đi nghỉ ở Thái Lan. Lúc thì tôi thấy một loạt bức ảnh về các điểm du lịch nổi tiếng ở Thái, rồi đến thành phố Pattaya và Bangkok. Lúc tôi lại thấy video về những quán bar, nhà hàng tận Chiang Mai…
Tôi nhận ra, với nhiều người Việt, Thái Lan và ngành du lịch của họ đã định vị vững chắc trong phân khúc bình dân đầy tham vọng. Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cùng với Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Việt Nam đã đón khoảng 70 triệu khách du lịch vào năm 2023. Con số này chiếm gần khoảng 25% tổng dân số trong các quốc gia này.
Thái Lan đang thúc đẩy một sáng kiến, trong đó đề xuất một loại “thị thực chung” giống như thị thực Schengen cho khu vực Đông Nam Á. Nghĩa là, nếu có thị thực đến Thái, du khách từ khắp nơi trên thế giới có thể thoải mái đi đến các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Nếu thành công, điều này sẽ giúp các công ty du lịch Thái Lan kiếm tiền từ hàng triệu du khách. Xa hơn, rộng hơn, thậm chí có thể áp dụng “chia sẻ doanh thu” với những người cùng trong lĩnh vực du lịch ở các nước láng giềng. Nói một cách đơn giản, họ hướng đến những giá trị hợp tác để tạo ra những lợi ích chung.
Lý do đằng sau sáng kiến này là gì?
Thứ nhất, điều này giúp Thái Lan thu hút nhiều du khách đường dài, khiến họ chi tiêu nhiều hơn hoặc kéo dài thêm thời gian lưu trú. Thứ hai, thị thực chung cũng có thể được gia hạn lên đến 90 ngày so với thị thực hiện nay chỉ 30 ngày, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách.
Đó là chuyện tương lai. Còn trước mắt, người ta đã thấy rõ những nỗ lực trong việc thu hút, tạo ấn tượng, ghi tên mình trên bản đồ du lịch thế giới từ Thái Lan. Thái Lan đã gia hạn chương trình miễn thị thực cho khách du lịch từ Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) thêm 6 tháng, cho phép những du khách từ Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) nhập cảnh mà không cần thị thực cho đến ngày 11/11/2024.
Động thái này nhằm thu hút nhiều du khách nước ngoài hơn để thúc đẩy nền kinh tế của Thái Lan nhanh chóng vực dậy và tiến nhanh, kể từ sau đại dịch Covid.
Một báo cáo từ hãng thông tấn Bloomberg mới đây tiết lộ, Thái Lan phụ thuộc rất nhiều vào du lịch, lĩnh vực đóng góp khoảng 20% tổng số việc làm và khoảng 12% cho nền kinh tế trị giá 500 tỷ USD của nước này. Lên nắm quyền từ năm 2023, chính phủ mới của Thái Lan đang đặt cược mạnh mẽ vào du lịch và đã đặt mục tiêu đạt được 80 triệu khách du lịch vào năm 2027.
Một số bạn bè tôi đi du lịch Thái Lan về nói rằng, về tài nguyên, cảnh đẹp, Việt Nam chắc hẳn “ăn đứt” Thái Lan. Với lợi thế như vậy, tại sao người ngày càng nhiều người Việt ưu tiên lựa chọn du lịch nước ngoài tại Thái Lan?
Du lịch là một ngành công nghiệp toàn cầu quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giao lưu văn hóa và hiểu biết quốc tế. Tuy nhiên, du lịch cũng không hề miễn nhiễm với sự bất an, tình hình tội phạm và những trải nghiệm tiêu cực của du khách. Mối quan hệ giữa chính trị thế giới và du lịch rất phức tạp, các quyết định chính trị thường có tác động sâu sắc đến ngành du lịch và ngược lại.
Sau khi dành phần lớn thời gian làm việc của mình để tiếp xúc với không ít du khách khắp nơi, những người đến công tác tại Đông Nam Á, tôi hiểu được rằng ngành du lịch của một quốc gia phát triển tốt và hiệu quả phải trải dài trên mọi phương diện.
Đó là hình ảnh nụ cười của anh cán bộ hải quan từ cửa khẩu cho đến chị lao công dọn dẹp ở nhà vệ sinh sân bay…, và tất nhiên là cả những quyết sách quan trọng, có thể đưa một đất nước thoát khỏi đói nghèo bằng cách cung cấp các cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp, góp phần giải quyết những nỗi lo thường trực làm ảnh hưởng đến quyết định của du khách.
Sự an toàn cho du khách khi đến bất kỳ quốc gia nào trong hành trình khám phá của mình cũng cần được quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Và đó là cách mà người Thái đang nỗ lực xây dựng.
Tôi đã gặp một du khách người Úc ở TP.HCM vào sáng nay. Cô nói rằng rất muốn đến Bangkok, thăm quần thể kiến trúc ở Thái Lan và đã đặt vé cho hành trình của mình. Nhưng khi nghe tin tức về câu chuyện 6 người Việt tử vong ở Thái trên mặt báo, một người bạn đã khuyên cô nên hủy kế hoạch.
Tuy nhiên, cô khẳng định sẽ không thay đổi kế hoạch của mình. Tôi nghĩ, cô ấy có lý do và niềm tin của mình.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/cuoc-hop-bao-khan-trong-dem-va-bai-hoc-trong-nghich-canh-cua-du-lich-thai-lan-13539.html
0 nhận xét:
Post a Comment