Người dân phố cổ ủng hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ lo lắng sau lệnh cấm ô tô trên 16 chỗ vào phố cổ trong giờ cao điểm. Clip: Trung Hiếu.
Cấm ô tô trên 16 chỗ vào phố cổ: Người dân phố cổ ủng hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ lo lắng
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Giao thông Vận tải về phương án thí điểm cấm ô tô trên 16 chỗ hoạt động trên các tuyến phố khu vực phố cổ và Hồ Gươm trong giờ cao điểm, buổi sáng từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30, chiều từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30, bắt đầu từ ngày 1/3/2025.
Để hỗ trợ người dân và du khách đi lại thuận tiện, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng phương án tổ chức giao thông, bố trí hệ thống biển báo chi tiết khi triển khai phương án thí điểm, đồng thời bố trí 4 điểm trung chuyển theo các hướng của khu vực hạn chế trên các tuyến phố Bà Triệu, Trần Nhật Duật, Phùng Hưng và khu vực chợ Đồng Xuân.

Nhiều người dân phố cổ bày tỏ sự ủng hộ với lệnh cấm bởi họ hy vọng rằng, vấn đề tắc đường tại khu vực phố cổ sẽ được giải quyết phần nào. Ảnh: Trung Hiếu.
Lệnh cấm khiến nhiều người dân phấn khởi vì mong muốn giải quyết phần nào vấn đề tắc đường, nhưng đồng thời cũng khiến nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tại khu vực phố cổ trăn trở.
Bà Trịnh Thị Hà (54 tuổi, Hàng Điếu, Hà Nội) cho biết, bà giơ hai tay ủng hộ quyết định này. Bà Hà bày tỏ: “Phố cổ vốn đã chật, xe to đi vào chỉ làm mọi thứ thêm rối loạn. Cứ vào giờ cao điểm là ùn tắc kéo dài, đi lại khổ sở, nhiều khi còn phải liều mình trèo lên vỉa hè để tránh. Chưa kể, cảnh những chiếc xe to đùng che kín phố, khách du lịch “nhấp nhô” đứng chờ xe cũng làm mất mỹ quan đô thị. Nếu có quy định cấm theo giờ thì càng tốt”.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hà chia sẻ: “Nhiều hôm tôi đi bộ mà vẫn không có chỗ đặt chân vì những chiếc xe cỡ lớn du lịch đỗ tràn ra đường để chờ đón khách du lịch. Có hôm phải mất 30 phút mới đi được đoạn đường chỉ vài trăm mét. Nhiều lúc vội đi làm, rồi đưa đón con cái đi học mà gặp cảnh tắc đường như vậy, rất sốt ruột”.

Nhiều phương tiện tranh thủ dừng đón, trả khách du lịch ngay tại lòng đường, trước cửa các nhà hàng, khách sạn… trong khu vực phố cổ Hà Nội. Ảnh: Trung Hiếu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Hồng (62 tuổi, Hàng Bè) nhận định: “Những chiếc xe lớn chậm chạp len lỏi qua phố nhỏ không thể chạy nhanh, nhưng chính vì thế lại tạo ra ùn tắc kéo dài. Theo tôi, xe lớn chỉ nên được phép đón khách ở những con đường lớn bên ngoài, sau đó dùng xe trung chuyển vào phố cổ. Nếu áp dụng cấm xe lớn trong hai khung giờ sáng và chiều tối, tôi tin rằng phố sẽ thông thoáng hơn nhiều”.
Ông Nguyễn Anh Đức (57 tuổi, người dân sinh sống ở phố cổ Hà Nội) cho rằng, việc ách tắc giao thông tại phố cổ có thể gây nên những tai nạn nhỏ, nếu không nhường nhịn nhau sẽ dẫn đến những hậu quả khó nói.

Tình trạng ùn tắc tại khu vực phố cổ Hà Nội vào giờ tan tầm cũng thường xuyên diễn ra. Ảnh: Trung Hiếu.
“Bản thân tôi cũng rất nhiều lần từng bị va chạm vào buổi sáng hoặc giờ tan tầm. Trên phố cổ có những con phố mà độ rộng chỉ chừng 8m nhưng xe to vẫn đi vào đón, trả khách du lịch nên việc ách tắc thường xuyên xảy ra. Cách đây mấy năm, khi tôi rẽ chỗ đầu phố Hàng Lược cũng bị va chạm với một chiếc xe du lịch 35 chỗ, do góc cua quá hẹp, xe lại dài nên tài xế họ vượt lên trước tôi là tôi ngã luôn. May mắn không sao nên tôi cũng bỏ qua”, ông Đức kể.
Trái với sự đồng tình của nhiều cư dân phố cổ, chị Nguyễn Thùy Dung (đại diện một nhà hàng tại phố cổ Hà Nội) lại có những nỗi lo riêng. “Trước đây, xe du lịch vẫn có thể thả khách nhanh trước cửa nhà hàng rồi rời đi, nhưng nếu có lệnh cấm, khách sẽ phải đi bộ xa. Khách khó tính chắc chắn sẽ phàn nàn, chưa kể các công ty lữ hành có thể sẽ chọn nhà hàng ngoài phố lớn thay vì ở trong phố cổ. Hiện tại chúng tôi chưa biết xe trung chuyển có miễn phí không, lộ trình thế nào, nên vẫn rất lo lắng”, chị Dung bày tỏ.

Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tại phố cổ lo lắng, sau lệnh cấm, nhiều du khách sẽ lựa chọn các nhà hàng, khách sạn… khu vực ngoài phố cổ cho tiện lợi. Ảnh minh họa: Trung Hiếu.
Theo chị Dung, không chỉ riêng nhà hàng của chị mà nhiều nhà hàng, khách sạn khác trong khu vực phố cổ cũng sẽ gặp mối lo tương tự. Chị Dung cho biết, ngay khi nhận được thông tin này, đại diện nhà hàng đã có sự bàn bạc với phía công ty du lịch, tuy nhiên chưa đưa ra được phương án cụ thể để giải quyết những khó khăn trước mắt. “Bên tôi và các công ty du lịch sẽ đợi khi lệnh cấm bắt đầu thực hiện, căn cứ vào thực tế rồi tiếp tục thảo luận tiếp để đưa ra giải pháp tốt nhất nhằm hỗ trợ khách du lịch”, chị nói.
Thí điểm cấm ô tô trên 16 chỗ vào phố cổ: Chuyên gia nói gì?
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, TS. Đặng Phương Anh – Giảng viên Khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phân tích: “Ở góc độ bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, việc cấm xe lớn là cần thiết để giảm ô nhiễm, giữ gìn cảnh quan vốn có của phố cổ. Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch ít nhiều sẽ gặp khó khăn nhất định.
Nhất là với doanh nghiệp nào đón khách đoàn, họ sẽ phải tách ra thành nhiều xe trung chuyển, hành lý của khách du lịch nước ngoài đi dài ngày là rất nhiều. Việc trung chuyển vào đến các khách sạn sẽ mất thời gian hơn, có thể gặp phải tình trạng thất lạc hành lý hoặc gây phiền hà cho khách. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng trong phố cổ họ cũng có mối lo lắng tương tự, vì có thể các công ty lữ hành đón khách đoàn sẽ lựa chọn cho khách ăn, ở tại những địa điểm không nằm trong phố cổ”.

Nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng trong phố cổ bày tỏ sự lo lắng trước lệnh cấm. Ảnh minh họa: Trung Hiếu.
Theo bà Phương Anh, để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên, cần phải quan tâm đến nhiều yếu tố. “Thứ nhất, cần phải có điểm trung chuyển, giải quyết được tình trạng luân chuyển xe, điều này cần có sự can thiệp của quản lý Nhà nước. Chúng ta nên có một bãi tập kết xe cho ổn thỏa, các phương tiện xe cộ sử dụng để trung chuyển cần đảm bảo chất lượng và đội ngũ tài xế lái xe cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn phục vụ khách.
Thứ hai, chúng ta cần giúp cho mọi người hiểu rằng, khi chính sách này được thực hiện sẽ làm cho cảnh quan của phố cổ Hà Nội đẹp thêm và sẽ có sức hấp dẫn hơn đối với khách du lịch. Thay vì việc ngồi trên xe để ngắm phố phường xung quanh, họ có thể đi bộ từ bãi xe trung chuyển tới khách sạn, nhà hàng… tức là họ sẽ có thêm một lần được giới thiệu thêm về khu vực phố cổ một cách tỉ mỉ, đó là một hành trình tour”.

Chuyên gia nhận định, thời gian cấm thí điểm xe trên 16 chỗ vào phố cổ trong 6 tháng giúp các bên liên quan tìm được “lời giải” cho những vấn đề gặp phải. Ảnh: Trung Hiếu.
Bà Phương Anh cho rằng, lệnh cấm thí điểm kéo dài 6 tháng, sau đó đánh giá hiệu quả là hoàn toàn hợp lý, bởi sau chừng ấy thời gian, các bên liên quan sẽ nhận thấy rõ rệt các tác động đối với lĩnh vực của mình. Họ cần thời gian để có được các lời giải cho việc có bị “mất khách” hay không, hay phải chuyển hướng đầu tư kinh doanh ra sao để tiếp tục thu hút khách…
“Việc cấm xe lớn vào khu vực phố cổ không phải là chuyện mới. Theo thực tế quan sát của tôi, tại Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nước khác, họ đã cấm xe lớn hoặc xe xả thải nhiều vào phố cổ từ lâu. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm này, đồng thời tăng cường truyền thông để du khách hiểu rằng việc đi bộ vào phố cổ cũng là một trải nghiệm thú vị”, bà Phương Anh cho biết thêm.
Nguồn: Sưu tầm
https://diendandulich.tct.info.vn/nguoi-dan-noi-gi-ve-lenh-cam-o-to-tren-16-cho-vao-pho-co-ha-noi-15308.html
0 nhận xét:
Post a Comment